Mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn phát triển tại ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa.
Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp
Nằm ở hạ lưu sông Mekong với diện tích 4,08 triệu héc-ta, ÐBSCL chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của cả nước và luôn đóng vai trò là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước trong mọi giai đoạn. Theo thống kê, hằng năm diện tích đất sản xuất lúa của vùng ÐBSCL phát huy hiệu quả, sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, sản xuất lúa năm 2023 của cả vùng là 3,816 triệu héc-ta, tăng 13.180ha; năng suất bình quân đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng đạt 23,970 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với năm 2022.
Theo Cục Trồng trọt, hiệu quả sản xuất lúa gạo tăng là nhờ mạng lưới khuyến nông tại các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL phát triển, hoạt động hiệu quả. Các mô hình sản xuất, các giải pháp kỹ thuật được phổ biến rộng đến nông dân, như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ICM, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa, giảm lượng giống gieo sạ… đã mang lại hiệu quả cao. Kết quả rõ nhất là thực hiện gieo sạ tập trung với lượng giống 100-120 kg/ha, giảm đáng kể lượng giống lúa gieo sạ (trước đây trên 150 kg/ha) đã giúp giảm chi phí về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 2-3 triệu đồng/ha (tùy từng vùng sản xuất). Bên cạnh việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng trên 75% giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng, chi phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ lúa gạo tại vùng ÐBSCL còn hạn chế, cần phát huy thời gian tới.
Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ÐBSCL có các nhân tố liên kết trực tiếp và các nhân tố gián tiếp tác động thông qua chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn... Các nhân tố liên kết trực tiếp gồm nông dân - hợp tác xã (HTX) - thương lái - doanh nghiệp - nhà phân phối, tiêu thụ lúa gạo. Tổng sản lượng lúa hàng vụ do nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các các kênh tiêu thụ gồm thương lái chiếm hơn 49%, HTX là 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hơn 6,5%. Kỹ sư Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương có diện tích trồng lúa gần 147.700ha, sản lượng 2,1 triệu tấn (năm 2023); toàn tỉnh có 90 HTX và 479 tổ hợp tác, nhưng việc liên kết tiêu thụ chỉ chiếm 17% tổng diện tích canh tác. Ðịa phương cũng chưa ghi nhận nông dân liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo, chủ yếu thông qua môi giới. Cụ thể, người trồng lúa có 3 kênh liên kết tiêu thụ gồm: Thông qua HTX nông nghiệp (chiếm 5-7%) và môi giới địa phương (90-93%), hai kênh này thông qua thương lái (mua lúa bán lúa) đến doanh nghiệp để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Kênh thứ 3 là kênh tiêu thụ “trực tiếp” (chiếm 1-2%) đến các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ (sấy, xay xát), nhưng kênh này cũng thông qua thương lái và chỉ tiêu thụ nội địa.
Nhiều chuyên gia cho biết thương lái là chiếc cầu nối, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo hiện nay, nếu không có thương lái thì sản lượng lúa gạo không biết tiêu thụ vào đâu. Theo bối cảnh liên kết hiện nay, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đạt chuẩn trong khi nông dân thừa nông sản. Cả doanh nghiệp, HTX và nông dân chưa chú trọng đến “hợp đồng liên kết”, chỉ tập trung hợp đồng tiêu thụ, tức chỉ bàn nhau về “giá”, chưa bàn chất lượng, dịch vụ hỗ trợ nhau trong chuỗi tiêu thụ…
Cần giải pháp liên kết
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, thương lái lúa gạo thường có tính linh hoạt, nhạy bén, nhanh chóng trong việc định giá và thỏa thuận giá; linh hoạt, hiệu quả trong điều chuyển phương tiện vận tải phù hợp từng điều kiện cụ thể. Ðồng thời chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với các doanh nghiệp thu mua chế biến; hình thức thanh toán linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của nông dân. Bên cạnh đó, thương lái còn là lực lượng phát hiện và phản ánh tích cực với chính quyền địa phương về những vướng mắc trở ngại của hệ thống hạ tầng giao thông (thủy, bộ) phục vụ lưu thông hàng hóa nông sản. Sự đóng góp của thương lái được thể hiện rõ tại thời điểm dịch COVID-19 khi 100% lúa gạo được tiêu thụ đúng thời điểm, kịp thời gian, không ép giá…
Ông Võ Quốc Trung kiến nghị đơn vị chuyên môn cần thiết lập kênh thông tin kết nối, chia sẻ mật thiết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết từng địa phương bao gồm: doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu mối, hệ thống thương lái của doanh nghiệp hoạt động mua bán trên địa bàn, hệ thống môi giới trung gian, tổ khuyến nông cộng đồng, chính quyền và ngành Nông nghiệp các địa phương. Tăng cường hợp tác liên kết và duy trì mối hợp tác ổn định, lâu dài cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin dựa vào “chữ tín” giữa các bên (người sản xuất, môi giới, thương lái, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý các cấp).
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, chuỗi lúa gạo ở ÐBSCL dài, có nhiều trung gian. Trong đó, thương lái (hay chủ vựa, cò…) là người “am hiểu thông tin” trong nghề. Doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái vì giúp doanh nghiệp đỡ căng thẳng hơn về tiền vốn bỏ ra do không phải ứng tiền trước cho nông dân trong thời gian dài (2-3 tháng). Còn nông dân đơn lẻ thích bán cho thương lái vì “lấy tiền liền sau khi cân lúa”…
Tại Hội thảo “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo” vừa tổ chức , TS. Trần Minh Hải nhấn mạnh: Ngành lúa gạo sẽ có lợi ích nhiều khi đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo bền vững. Thương lái cần có “giấy chứng nhận hành nghề”; được đăng ký hành nghề (để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt) và cần được xem là đối tác đồng hành với nông dân, HTX và doanh nghiệp. Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, giảm tình trạng bẻ kèo, nói không với những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả… Xây dựng sàn giao dịch bán trước lúa để kết nối người mua - người bán…”.
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)