Toàn huyện Cù Lao Dung có trên 24 km bờ biển với khoảng 1.700ha diện tích rừng ngập mặn ven biển, với nhiều loại thủy hải sản giúp người dân mưu sinh, tập trung tại các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông, Đại Ân 1… Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, nguồn lợi này đang dần cạn kiệt, khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.
Để bảo vệ rừng hiệu quả, tránh các trường hợp chặt phá cây rừng và ngăn chặn việc săn bắt các loài thủy, hải sản sinh sống dưới tán rừng, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung đã thành lập nhiều tổ trồng, bảo vệ rừng và các nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Ốc len nuôi dưới tán rừng ngập mặn ở Cù Lao Dung cho hiệu quả cao.
Ông Đinh Văn Mới, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ở xã Am Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng ngập mặn, với sự hỗ trợ từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (MD-ICRSL).
Hộ ông Mới đã thả nuôi trên 840kg con giống vọp và hơn 161kg con giống ốc len trên diện tích 2 nghìn mét vuông dưới tán rừng ngập mặn. Sau khoảng 4 tháng, ông bắt đầu thu hoạch với những lứa ốc đầu tiên. Với giá vọp từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, ốc len dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg, thu nhập cao hơn so với trồng cây mía cho thu nhập bấp bênh trước đây.
“Bà con nuôi tương đối nhàn, đỡ chi phí thức ăn vì tận dụng được nguồn trong tự nhiên, mỗi tháng bỏ túi thêm vài triệu đồng. Từ ngày thành lập tổ hợp tác tham gia mô hình, người dân sinh sống ổn định và giữ được rừng”, ông Mới nói.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai mô hình sinh kế nuôi vọp kết hợp ốc len, tận dụng công nhàn rỗi, tạo thêm thu nhập cho người dân sống vùng ven bờ biển, nâng cao mức sống cho các hộ gia đình tham gia mô hình sinh kế, không có đất hoặc ít đất sản xuất, sinh sống bằng nghề trồng rừng, khai thác thủy sản nhỏ lẻ... Thông qua hiệu quả kinh tế của mô hình hộ dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở bãi bồi trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.
Tăng cường nguồn lực cho ĐBSCL
Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi (CPO Thuỷ lợi), qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt không ít thách thức do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sinh kế của nhiều người dân vùng sông nước cũng đang bị đe doạ.
Để tìm giải pháp và tăng cường thêm các nguồn lực cho ĐBSCL, vừa qua Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo về đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB11).
Nuôi thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn mang lại hiệu quả kép ở Cù Lao Dung.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Điều hành hoạt động của Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì, với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh của khu vực ĐBSCL.
Dự án WB 11 hướng mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia dự án ở 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.
Dự án WB 11 dự kiến sẽ có 3 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin. Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng. ợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.
Về tiến độ triển khai Dự án WB 11, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực để tháng 12-2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới.
Theo THU TRANG (Báo Đồng Khởi)