Ứng dụng TMĐT để giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng là phương thức mới được các HTX hướng đến, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ quá trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm qua zalo, facebook, tiktok, tham gia các sàn TMĐT. Điển hình như HTX Nhãn Vĩnh Châu, HTX Nông nghiệp mãng cầu gai Vĩnh Kiên, HTX Nông ngư cơ 14/10 Hòa Nhờ A, HTX Nông sản hữu cơ Samaki, HTX Nông nghiệp An Phú Hưng... hiện đã đăng ký đưa sản phẩm lên Sàn giao dịch TMĐT Sóc Trăng (tên miền là http://soctrangtrade.vn/). Một số HTX khác, như: HTX Artermia Vĩnh Châu, HTX Nông nghiệp Thành Đạt, HTX Nông nghiệp Đồng Tiến huyện Kế Sách… cũng chủ động sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.
Người tiêu dùng tìm kiếm thông tin về sản phẩm hành tím của HTX Nông sản hữu cơ Samaki trên trang web Sàn giao dịch TMĐT Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Ông Thạch Dil - Phó Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Samaki chia sẻ: “Chúng tôi vừa đăng ký tham gia Sàn giao dịch TMĐT Sóc Trăng vào đầu tháng 8. Khi vào trang web này, đến mục tìm kiếm gõ chữ “hành tím hữu cơ Samaki” sẽ dễ dàng tìm thấy hình ảnh, thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất, địa chỉ liên hệ... Được biết Sàn giao dịch TMĐT Sóc Trăng có liên kết với các sàn giao dịch TMĐT của 11 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ góp phần giúp cho chúng tôi mở rộng kênh phân phối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Hiện HTX đang điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để hoàn thiện thông tin sản phẩm trên sàn thương mại này”.
Tích cực đưa công nghệ 4.0 đến gần hơn với các thành viên HTX, đầu tháng 8, Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Chi nhánh Sóc Trăng triển khai hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể tiếp cận chuyển đổi số. Trong chương trình làm việc tại các huyện, thị xã, đại diện Viettel đã hướng dẫn cho các HTX quy trình đăng ký hóa đơn điện tử, chữ ký số, đăng ký tên miền cho sản phẩm.
Phó Giám đốc DVS Viettel Post Sóc Trăng Phạm Văn Út cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, tiện ích cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX. Hiện đơn vị có một bộ phận chuyên trách, sẽ đến tận nơi hướng dẫn khi người dân có nhu cầu tham gia chuyển đổi số. Phó Giám đốc DVS Viettel Post Sóc Trăng cũng gợi ý về việc sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc vMark, theo đó, khi đăng ký tài khoản trên hệ thống, các thông tin về xuất xứ sản phẩm, logo, cơ sở sản xuất… được cập nhật cụ thể. Từ đó, thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương. Hiện HTX Nông sản hữu cơ Samaki là đơn vị đầu tiên được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ thực hiện thí điểm chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, làm mô hình mẫu triển khai nhân rộng cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú, HTX đã tiếp cận hóa đơn điện tử và sử dụng chữ ký số.
Theo đồng chí Phạm Chí Nguyện - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng, TMĐT, chuyển đổi số sẽ từng bước đi vào hoạt động sản suất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên, năng lực tiếp cận công nghệ thông tin của các HTX hiện còn hạn chế, do các thành viên HTX đều cao tuổi, việc sử dụng thiết bị di động hiện đại ít nhiều khó khăn, trở ngại. Các HTX cũng quen với hình thức mua bán truyền thống, còn bỡ ngỡ với TMĐT. Ngoài ra, hầu hết các HTX đều thiếu nguồn lực về nhân sự, trang thiết bị, máy móc cho nhu cầu chuyển đổi số. Các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ các thành viên HTX tiếp cận công nghệ số vẫn còn hạn chế. Để bắt nhịp với công nghệ 4.0, các HTX phải được tham dự chương trình tập huấn, được hướng dẫn cụ thể cách thức giao dịch, đưa nông sản lên sàn TMĐT, ứng dụng công nghệ số cho quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng là các HTX phải đánh giá được lợi ích, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thực hiện thủ tục giao dịch kinh doanh, chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới đạt kết quả.
Theo Báo Sóc Trăng