Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: CHÍ BẢO
Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về phát triển văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nâng lên. Vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa ngày càng được thể hiện rõ nét. Môi trường văn hóa, phẩm chất con người Sóc Trăng được quan tâm xây dựng từ gia đình đến nhà trường và cộng đồng xã hội, từng bước hoàn thiện các chuẩn mực về văn hóa trong gia đình, văn hóa trong trường học, văn hóa trong công sở, văn hóa trong các khu dân cư… Các thiết chế văn hóa từng bước được xây dựng và đáp ứng được nhu cầu cơ bản hưởng thụ văn hóa của người dân. Hiện nay, 109/109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có nhà văn hóa, có quy hoạch đất xây dựng khu vui chơi, giải trí và hoạt động thể dục thể thao; 741/775 khóm, ấp có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 95,61%.
Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa của quốc gia trên địa bàn tỉnh và các di sản văn hóa của địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trọng tâm là coi trọng xây dựng văn hóa con người Sóc Trăng đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đoàn kết của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng và đồng chí Lâm Tấn Hòa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: CHÍ BẢO
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” có một số nơi chất lượng chưa cao; việc công nhận gia đình văn hóa còn mang tính hình thức; ý thức chấp hành pháp luật của người dân về văn hóa chưa tốt; các dịch vụ văn hóa còn tiềm ẩn những tệ nạn xã hội, chưa được kiểm tra, giám sát thường xuyên…
Tại hội nghị, các sở, ngành tỉnh và các địa phương có nhiều ý kiến tham luận và đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW như: giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa thời gian qua để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa giai đoạn tới; giáo dục văn hóa, đạo đức, xây dựng văn hóa học đường trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; vai trò tuổi trẻ Sóc Trăng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc giai đoạn hiện nay; vai trò của báo chí trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước trong thời kỳ mới…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích đạt được của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhân dân và ngành Văn hoá của tỉnh trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong rằng trong thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và địa phương tiếp tục chỉ đạo phát huy thành tích đạt được; cùng nhau thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024 và những năm tiếp theo.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.