Sóc Trăng đã xuống giống hơn 80.000ha lúa Đông - Xuân

18/11/2022 - 15:49

Theo thống kê của ngành chuyên môn, trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có diện tích lúa xuống giống ước đạt 171.000ha, tập trung hầu hết tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

A A

Theo đó, trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023 được chia làm 3 đợt xuống giống, gồm: đợt 1 từ tháng 9 đến ngày 30/10/2022; đợt 2 từ ngày 30/10 đến 15/12/2022 và đợt 3 gieo sạ dứt điểm trước ngày 15/1/2023 (dương lịch).

Bà con nông dân cần tập trung chăm sóc lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023 để lúa phát triển tốt, có vụ mùa bội thu. Ảnh: THÚY LIỄU

Thông qua lịch xuống giống lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023 như trên, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 80.000ha, trong đó lúa giai đoạn mạ khoảng 32.000ha; đẻ nhánh 40.000ha và lúa giai đoạn làm đòng, trổ hơn 8.000ha. Diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng, trổ tập trung phần lớn tại các huyện: Long Phú, Kế Sách, Châu Thành.

Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thông tin, hiện nay các địa phương đã tiến hành xuống giống theo đúng lịch cũng như sử dụng các giống lúa để gieo sạ theo đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, vụ lúa Đông - Xuân trên địa bàn tỉnh thuận lợi, bởi nắng mưa xen kẽ, chưa có sương mù nhiều, dịch bệnh, sâu hại, rầy nâu, sâu cuốn lá… giảm so cùng kỳ năm trước.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thành Phước, để có vụ mùa bội thu, đặc biệt là với diện tích lúa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đang giai đoạn làm đòng, trổ, bà con nông dân cần chú ý bón phân trên lúa cân đối, không bón thừa phân đạm, sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa để giảm chi phí đầu tư sản xuất trong vụ mùa. Theo dõi tình hình di trú của rầy nâu, rầy phấn trắng và sử dụng các chế phẩm sinh học cùng các loại nấm xanh, nấm trắng để phòng ngừa rầy nâu, rầy phấn trắng trên đồng. Thường xuyên theo dõi các bệnh trên lúa như cháy lá, đạo ôn và cháy bìa lá. Áp dụng biện pháp canh tác trong ruộng lúa ngập, khô xen kẽ, nhằm giúp rễ lúa ăn sâu xuống đất, làm lúa cứng cây giúp hạn chế đổ ngã khi thời tiết bất lợi, góp phần tăng năng suất lúa sau thu hoạch…

Theo Báo Sóc Trăng