Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn, trong đó, Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây là dự án có tổng mức đầu tư lớn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và đối ứng ngân sách địa phương, có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do vậy được các cấp lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Nguồn vốn luôn được bố trí đầy đủ để đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Song song đó, các cấp chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện giúp đỡ và rất quyết liệt trong khâu giải phóng mặt bằng để nhà thầu triển khai xây dựng được thuận lợi.
Theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh, Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây được xác định là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, đi qua 4 huyện, thị xã với chiều dài toàn tuyến gần 57km. Tính đến thượng tuần tháng 3/2024, giá trị xây lắp thực hiện đạt khoảng 903/1.572,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tương ứng 57% giá trị hợp đồng. Với tiến độ giá trị xây lắp nêu trên thì dự án hiện chậm so với kế hoạch đề ra. Theo đồng chí Thạch Minh Hoài - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, nguyên nhân chủ quan là do đơn vị thi công chưa quyết liệt trong triển khai thi công, không bám sát kế hoạch đã đề ra nên dẫn đến chậm tiến độ; việc cung ứng vật tư không kịp thời, thiếu nhiều mũi bơm cát san nền, cung cấp không liên tục. Nguyên nhân khách quan do trong thời gian qua, nguồn cát san lấp khan hiếm đã đẩy đơn giá lên cao, dẫn đến một số nhà thầu rất khó khăn tìm nguồn cung cấp. Mặt khác, đường vận chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc gặp nhiều trở ngại do đường sông nhỏ hẹp (nếu vận chuyển bằng đường bộ thì hạ tầng kỹ thuật địa phương không đáp ứng cho những xe có tải trọng lớn). Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn đầu dự án còn chậm dẫn đến triển khai thi công chậm so với kế hoạch; việc bàn giao mặt bằng bị ngắt quãng nên rất khó bố trí thi công… Theo phân tích, nhận xét và đánh giá thì tiến độ thực hiện của các nhà thầu đến nay rất chậm so với yêu cầu, rất khó hoàn thành để thông xe trước ngày 31/12/2024 nếu như không có sự quyết tâm cao.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUANG BÌNH
Cũng là một trong những dự án có tổng mức đầu tư rất lớn qua địa bàn tỉnh đó là Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án). Theo đó, tổng chiều dài tuyến khoảng 58,37km, trong đó chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 0,47km. Tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt là 11.961 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án thành phần là Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng. Thời gian thực hiện dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Theo đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để triển khai hoàn thành các nhiệm vụ đảm bảo đúng mốc thời gian Dự án theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động triển khai các công việc đối với dự án thành phần 4 và hiện tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong đó, về công tác giải phóng mặt bằng đến cuối tháng 3/2024 có 1.804/1.811 hộ bị ảnh hưởng đã bàn giao mặt bằng cho dự án (đạt 99,5%), với tổng diện tích đất là 326,3/329,6ha (đạt 99%). Tỉnh đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 4/4 khu tái định cư. Chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chủ quản triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án.
Đối với các mỏ vật liệu xây dựng (cát đắp nền), theo ngành chức năng, tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát sông cho các nhà thầu để khai thác phục vụ cho dự án vào ngày 9/12/2023. Hiện nay, các đơn vị đang hoàn thiện thủ tục liên quan để khai thác theo quy định, như: cấp phép đảm bảo an toàn hàng hải; khoan thăm dò đánh giá trữ lượng; lập hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí liên quan; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… và phấn đấu hoàn thành thủ tục trước ngày 30/4/2024, khai thác vào đầu tháng 5/2024. Ngoài ra, tỉnh cũng đang hoàn thiện thủ tục gia hạn đối với 2 mỏ đã cấp phép khai thác cho doanh nghiệp đã hết hạn.
Thông tin về công tác triển khai thi công, theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (đơn vị chủ đầu tư dự án thành phần) thì Dự án có tổng số 4 gói thầu xây lắp và đã khởi công trong năm 2023. Hiện các nhà thầu đang tập trung thi công vét hữu cơ, đào nền đường, thi công đường công vụ và thi công các cầu có vị trí thuận lợi theo hồ sơ được duyệt. Tuy nhiên, khối lượng thi công chưa nhiều do còn khó khăn về nguồn cát. Trong năm 2023, Dự án được bố trí vốn 1.449 tỷ đồng, đã giải ngân 100%; năm 2024 bố trí vốn 1.973 tỷ đồng, phấn đấu giải ngân đạt 100%.
Nhìn chung, đến thời điểm này, các bước triển khai thực hiện của tỉnh Sóc Trăng đối với 2 dự án trọng điểm nêu trên cơ bản đảm bảo theo các mốc thời gian yêu cầu. Tuy nhiên, các dự án đều có khó khăn trong công tác cung ứng vật liệu phục vụ thi công. Để từng bước tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, gần đây, tại phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, đồng chí Trần Văn Lâu đã nêu lên rất cụ thể, rõ ràng về một số nội dung kiến nghị đến các bộ, ngành có liên quan giúp địa phương giải quyết khó khăn để triển khai thi công các công trình, dự án đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh yêu cầu các nhà thầu tham gia trong dự án tập trung huy động thêm thiết bị máy móc để tăng cường cho các mũi thi công trên phạm vi hạng mục công việc đăng ký, huy động các nguồn cung ứng vật tư để kịp thời đáp ứng tiến độ, tăng cường nguồn nhân lực cho ban chỉ huy công trường nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành dự án. Đồng thời tranh thủ mùa nắng, tận dụng thời tiết thuận lợi để hoàn thiện các công việc đã đề ra. Thống nhất mục tiêu đến ngày 31/12/2024 cơ bản hoàn thành tuyến đường và tháng 6/2025 phải hoàn thành toàn tuyến, đưa vào khai thác sử dụng.