Sóc Trăng: Nhiều nghề truyền thống, làng nghề đang dần mai một

09/05/2023 - 09:08

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu lao động có tay nghề cao, thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm chưa đa dạng, khó cạnh tranh, thế hệ kế thừa không mặn mà với nghề… là những nguyên nhân khiến một số làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không mở rộng, phát triển. Thậm chí nhiều làng nghề, nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một hoặc không còn tồn tại.

A A

Chúng tôi đến xã Phú Tân (huyện Châu Thành) tìm hiểu về nghề làm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng. Sau hơn nửa thập kỷ tồn tại, các nghề này hiện nay đã qua thời vàng son, trong đó, nghề vẽ tranh trên kiếng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nếu như trước đây, trên địa bàn xã có hơn trăm hộ làm nghề thì hiện nay, số hộ bám nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, các sản phẩm không còn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Do sản phẩm không bán được thường xuyên, các hộ chỉ vẽ tranh khi có đơn đặt hàng, hiệu quả kinh tế thấp nên dần dần ít người bám nghề, trong khi đó, những nghệ nhân lành nghề thì tuổi đã cao. Đối với nghề làm cốm dẹp, hiện chỉ còn 16 hộ hoạt động, chủ yếu là sản xuất tại nhà. Phần lớn cốm dẹp sản xuất thủ công, chủ yếu tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn huyện, số lượng sản phẩm chỉ bán được nhiều vào dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer.

Một hộ sản xuất than củi ở làng nghề hầm than Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chia sẻ về nghề. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo Quyết định số 71/QĐ-UBND, ngày 29/2/2008 của UBND tỉnh Sóc Trăng, huyện Kế Sách có 4 làng nghề truyền thống được công nhận gồm: làng nghề đan đát ấp Đông Hải và làng nghề chằm nón ấp Nam Hải ở xã Đại Hải; làng nghề đan đát và làng nghề hầm than xã Xuân Hòa. Hiện nay, địa phương này chỉ còn duy nhất làng nghề hầm than hoạt động. Hơn 50 năm hình thành, duy trì hoạt động, làng nghề hầm than Xuân Hòa vẫn còn loay hoay với vấn đề chưa đảm bảo điều kiện xử lý môi trường khói bụi…

Ở huyện Thạnh Trị, ngoài các nghề truyền thống như trồng nấm rơm, dệt chiếu, chằm lá, thủ công mỹ nghệ còn có các nghề nông thôn như: nghề làm bánh pía, lạp xưởng, đan đát, mộc dân dụng. Hầu hết các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống quy mô sản xuất nhỏ lẻ, làm tại các nông hộ nên thu nhập chưa cao. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng chưa cao, gặp khó về thị trường tiêu thụ nên không ít nghề hiện thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động, như nghề dệt chiếu ở xã Vĩnh Lợi.

Một địa phương khác là huyện Mỹ Xuyên hiện có làng nghề đan đát ấp Giồng Có, xã Tham Đôn; làng nghề đan đát giỏ bẹ ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên; 2 làng nghề truyền thống là bánh tráng Bà Lèo, ấp Vĩnh Xuyên và nấu rượu Bãi Xào, ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các làng nghề này chỉ duy trì hoạt động ở mức trung bình, không mở rộng, phát triển.

Thực trạng của các làng nghề, nghề truyền thống tại các địa phương, vấn đề làm thế nào để duy trì hoạt động, tiếp tục tồn tại và phát triển là bài toán khó. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phương Ngọc Tuyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa qua, đoàn khảo sát liên ngành tỉnh đã đến các huyện, thị xã, thành phố khảo sát thực tế hoạt động của các làng nghề, nghề truyến thống. Đoàn đã ghi nhận thực trạng của các làng nghề, nghề truyền thống ở các địa phương. Thực tế cho thấy, hầu hết các làng nghề, nghề truyền thống đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp nhiều khó khăn, hạn chế như thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là các hộ kinh doanh gia đình, ít quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của sản phẩm nên sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đối với ngành nghề nông thôn, đa số các hộ làm nghề nông thôn là hộ nghèo, trình độ lao động phổ thông, thiếu chủ động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hộ sản xuất chưa có sự hợp tác, liên kết để trao đổi kinh nghiệm, cải tiến, nâng chất lượng sản phẩm, nhiều nghề chỉ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mạnh vào các dịp lễ, Tết…

“Vẫn có nghệ nhân nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, một số cơ sở làm nghề truyền thống cũng nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm. Các địa phương cũng tích cực đề xuất các giải pháp để duy trì, phát triển các nghề truyền thống, ổn định hoạt động các làng nghề, khắc phục khó khăn, hạn chế. Dựa trên các tiêu chí của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn, các địa phương cần rà soát lại tình hình hoạt động của các làng nghề, làm hồ sơ trình cơ quan chức năng xem xét công nhận lại các làng nghề, hoặc đề xuất công nhận ngành nghề mới, báo cáo các mặt khó khăn, hạn chế để đề xuất xem xét hỗ trợ. Các nghề truyền thống, làng nghề phát huy, duy trì ổn định sẽ hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Do đó, địa phương nên có hướng gắn kết các làng nghề, nghề truyền thống với làm du lịch để bảo tồn các làng nghề truyền thống, tránh mai một, thất truyền” - đồng chí Phương Ngọc Tuyết chia sẻ thêm.

Theo XUÂN NGUYÊN (Báo Sóc Trăng)