Sóc Trăng: Niềm vui đầu năm ở những xã “khoác áo mới”

22/02/2024 - 09:41

Người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vừa đón cái Tết Giáp Thìn đầm ấm bên người thân và gia đình. Niềm vui lớn của nhiều người dân trên toàn tỉnh là trong năm mới 2024 lúa “trúng mùa, được giá” và đặc biệt là người dân và chính quyền địa phương tại các xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trước tết Nguyên đán càng hân hoan và tự hào khi xã nhà khoác lên mình “chiếc áo mới”...

Niềm vui của hộ dân ở xã nông thôn mới

Vừa ăn Tết xong, ông Nguyễn Văn Lãm, ấp Tư, xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã tranh thủ tỉa lại hàng rào bông trang trước cửa nhà. Ông Lãm tâm tình: "Xã nhà vừa được công nhận đạt chuẩn NTM gần 1 tháng qua nhưng trong lòng tôi vẫn còn rất phấn khởi. Hệ thống giao thông được đầu tư rộng khắp, xe vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thương lái đến tận vườn, rẫy và tận ruộng để vận chuyển nông sản nên giá bán tốt, lợi nhuận của nông dân sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp tăng lên. Tô điểm cho đoạn đường nông thôn, tôi trồng bông trang đỏ trước nhà, chăm sóc thành hàng rào. Tới mùa hoa trổ cả một đoạn đường phía trước nhà đỏ rực rất đẹp mắt". 

Anh Lê Thống Nhất, ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hân hoan trong ngày xã nhà đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Ảnh: THÚY LIỄU

Còn tại huyện Cù Lao Dung, phong trào xây dựng NTM cũng hết sức rộn ràng. Anh Lê Thống Nhất, ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bộc bạch: "Tôi rất vui mừng và tự hào trong ngày xã nhà được công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bởi vùng đất Cù Lao Dung nằm giữa bốn bề sông nước, hơn 10 năm trước, điều kiện đi lại và kinh tế của người dân ở đây rất nhiều khó khăn. Riêng xã An Thạnh Tây, trước đây người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và cây trồng chính là cây mía, do đó đời sống chỉ tạm ổn. Tuy nhiên, kể từ khi xã bắt đầu xây dựng NTM, người dân chúng tôi được địa phương vận động, tuyên truyền chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế tốt hơn thì hộ dân đã chuyển từ trồng cây mía sang trồng các loại cây ăn trái. Nhờ đó đời sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác ngày càng cải thiện tốt hơn".

Nỗ lực để xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới

Đồng chí Lê Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung cho biết, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, cùng với sự chỉ đạo sâu sát từ cấp tỉnh đến huyện, sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vào năm 2014 xã An Thạnh 1 đã trở thành xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận xã NTM và cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2020. Năm 2023, xã An Thạnh 1 là địa phương được tỉnh chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Sau khi thực hiện hoàn thành 4 tiêu chí (tiêu chí xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về mô hình ấp thông minh, tiêu chí về ấp văn hóa thông minh mới và tiêu chí kiểu mẫu về chuyển đổi số), diện mạo xã An Thạnh 1 đổi thay tích cực, nhiều công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ dân sinh, các mô hình sản xuất ứng dụng tốt khoa học công nghệ, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập người dân nông thôn, từng hộ gia đình đã có điều kiện tiếp cận tốt hơn về chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực…

Diện mạo xã NTM khởi sắc “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ảnh: THÚY LIỄU

Không riêng gì các huyện: Long Phú, Cù Lao Dung, thời gian qua, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mỹ Tú cũng hết sức sôi nổi. Trong đó, Phú Mỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện huyện Mỹ Tú, khi bắt đầu xây dựng NTM Phú Mỹ chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 25%. "Sau hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng nông thôn xã Phú Mỹ được đầu tư đồng bộ; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được nâng cấp, xây dựng khang trang; hệ thống hạ tầng điện được đầu tư đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn... Tất cả đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từng bước được hình thành và nhân rộng; quy mô cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là diện tích lúa đặc sản ngày càng tăng; tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa ngày càng cao; lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò ngày càng phát triển… Những yếu tố trên đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn xã với gần 57 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3,8 lần so với trước khi xây dựng NTM), tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,15%”, đồng chí Võ Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ thông tin.

Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 70 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để tiếp tục nâng chất các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và giữ vững chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các địa phương không ngừng đề cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp trong xây dựng NTM; tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM; tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, huy động cả hệ thống chính trị, lan tỏa giá trị cốt lõi, tinh thần xây dựng NTM đến từng hộ gia đình. Đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số hướng tới xây dựng NTM thông minh, thông qua việc triển khai hiệu quả các mô hình thí điểm. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá về huy động nguồn lực cho xây dựng NTM…

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)