Hơn 20 năm gắn bó với con tôm nuôi nước lợ, ông Thạch Khum, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) gặp nhiều khó khăn khi thường xảy ra các loại dịch bệnh do nuôi trong thời gian dài trên cùng diện tích ao, giá thức ăn vẫn tăng nên lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều. Vì vậy, 10 năm qua, ông Khum đã triển khai nuôi 1 vụ cua, 2 vụ tôm/năm. Cua được nuôi theo hình thức thả lan, với diện tích 4 ao nuôi tôm tương đương 4.000m2, thả nuôi 5.000 con cua giống, cua thả nuôi từ 5 - 6 tháng là thu hoạch. Số lượng cua thu về khoảng 300 - 400 con, trọng lượng từ 300 - 600 gram, trừ chi phí lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/vụ nuôi. Lợi nhuận không nhiều từ nuôi cua nhưng cũng đã góp phần cải tạo ao nuôi tôm nên mùa vụ tôm nuôi rất thành công. Năm 2023, ông Khum được Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng hỗ trợ mô hình nuôi cua thịt trong hộp, với 2.000 hộp nhựa được hỗ trợ cùng với 2.000 con cua giống (cua có trọng lượng 15 - 20 con/kg) nuôi trong hộp 90 ngày đã thu hoạch, với sản lượng cua thu về 475kg, trừ chi phí lợi nhuận gần 40 triệu đồng.
Nuôi cua trong hộp là một trong những loại hình nuôi thủy sản được ông Thạch Khum, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) kết hợp nuôi trong ao tôm nhiều năm qua. Ảnh: THÚY LIỄU
Ông Khum bộc bạch: Nuôi cua hộp nhựa trong ao nuôi tôm, kết hợp nuôi cá rô phi bên dưới cải tạo môi trường nước ao nuôi rất tốt. Điểm nổi bật của việc nuôi cua trong hộp là tỷ lệ nuôi thành công lên đến 90%, bởi cua không bị các loài thủy sản khác ăn thịt khi sống trong hộp, thức ăn cua cũng đầy đủ hơn nên cua lớn nhanh, rút ngắn thời gian xuất bán so với nuôi cua thả lan là 2 tháng. Tôi đang chuẩn bị thu hoạch xong đợt nuôi cua trong hộp năm 2024, trừ chi phí ước lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Thu hoạch cua xong, tôi sẽ cải tạo ao thả nuôi tôm theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Nếu như ông Khum chọn nuôi cua xen canh trong ao nuôi tôm, thì ông Hứa Trung Việt, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chọn nuôi con cá chẽm, cá dứa trong ao nuôi tôm. Ông Việt có tổng số 60 ao nuôi thủy sản, diện tích 30ha (mỗi ao tương đương 4.000 - 5.000m2). Trước đây toàn bộ số ao trên chỉ dành để nuôi tôm. Nhưng 5 năm trở lại đây, ông Việt đã chuyển 50% diện tích ao nuôi tôm sang nuôi cá chẽm, cá dứa. Đối với con cá chẽm, nuôi trong khoảng 10 tháng đã thu hoạch, trọng lượng từ 1,1 - 1,3kg/con. Còn cá dứa nuôi 2 năm mới thu hoạch, trọng lượng cá đến thu hoạch đạt từ 3kg trở lên, sản lượng cá chẽm, cá dứa thu về đạt từ 7 - 10 tấn/ao. Theo ông Việt, có thời điểm giá tốt, cá chẽm thương lái thu mua đến 107.000 đồng/kg; cá dứa 180.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hàng tỷ đồng. Còn thời điểm hiện tại, giá cá chẽm giảm còn 70.000 - 75.000 đồng/kg; giá cá dứa 80.000 đồng/kg.
Ông Trung Việt cho biết: "Trong quá trình nuôi cá, để giúp cá lớn nhanh, tránh các rủi ro về dịch bệnh, sau 7 tháng thả nuôi cá thì tiến hành đưa cá sang ao nuôi khác. Cải tạo lại ao đó thả nuôi tôm. Nuôi cá nhàn hơn so với nuôi tôm và chi phí đầu tư cho mùa vụ cá cũng thấp hơn nuôi tôm. Tuy nhiên do thời gian nuôi cá dài, vấn đề lo lắng nhất là dịch bệnh trên cá như: bệnh tuột nhớt, bệnh xuất huyết… nên phải phòng ngừa bệnh cho cá trong quá trình nuôi, cũng như thường xuyên kiểm tra ao nuôi để sớm phát hiện các triệu chứng bệnh trên cá nhằm phòng, trị kịp thời".
Diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch hơn 50.000ha, trong đó các loài thủy sản khác hơn 16.252ha. Trong số các loài thủy sản nuôi khác có đa dạng các loài như: tôm càng xanh, cá tra, cá dứa, cá chốt, cá kèo, cua, cá chẽm… Các loài thủy sản này thường được hộ dân nuôi chuyên canh hay nuôi xen canh trong các ao nuôi tôm hoặc chuyển từ ao nuôi tôm nước lợ sang nuôi các loại cá nước lợ, nước mặn.
Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: "Trong những năm qua tình hình thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ổn định, tỷ lệ tôm thiệt hại thấp. Sản lượng tôm nuôi nước lợ luôn đạt và vượt so với kế hoạch tỉnh đề ra. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá tôm nguyên liệu ở mức thấp và biến động khá lớn, có lúc thấp hoặc bằng giá thành sản xuất, nên người nuôi tôm không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp, dẫn đến việc người nuôi treo ao và chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác. Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm thay gì treo ao, thì tùy vào điều kiện kinh tế hộ có thể lựa chọn một số loại thủy sản khác để nuôi như: cua, cá chốt, cá chẽm, cá thát lát… và nếu có kinh tế tốt hơn có thể nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn như: cá hô, cá mú trân châu… Trong quá trình nuôi cần phải tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn, đặc biệt là nhu cầu đầu ra của loài thủy sản nuôi, nhằm có lợi nhuận tốt sau thu hoạch".
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)