Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến công tác phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái đặc sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TL
Không ngừng phát triển diện tích cây ăn trái
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện ước đạt trên 30.100ha, tăng gấp nhiều lần so năm 1992 (năm 1992, diện tích cây ăn trái của tỉnh là 5.126ha). Sau 30 năm, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể, diện tích cây ăn trái tăng phần lớn nhờ ngành chuyên môn vận động, tuyên truyền người dân cải tạo vườn tạp cũng như chuyển đổi cây trồng và diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Nhờ đó mà diện tích cây ăn trái phát triển khá ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn, với nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao: bưởi, vú sữa, sầu riêng, nhãn...
Là nhà vườn gắn bó với cây ăn trái lâu năm, ông Phan Thanh Phong, Ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bộc bạch: “Trước đây, diện tích 6 công vườn của gia đình trồng bưởi Năm roi. Vườn bưởi cho trái gần 20 năm thì năng suất không còn tốt nên tôi chuyển sang trồng vú sữa tím. Thông qua việc trồng vú sữa tím đã giúp tăng cao thu nhập cho gia đình khi được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra. Tôi nhận thấy khoảng 5 năm trở lại đây, việc sản xuất cây ăn trái tại địa phương có bước phát triển mạnh mẽ, khi được các cấp, các ngành liên quan tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn…”.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, cùng với diện tích cây ăn trái phát triển thì trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao. Bà con đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điển hình như diện tích canh tác cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được mở rộng (với diện tích hơn 441ha). Còn thời điểm năm 1992, việc sản xuất cây ăn trái theo phương thức truyền thống, năng suất không nhiều và giá trị sản phẩm không cao, chủ yếu bán tại địa phương.
Bên cạnh việc phát triển diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh theo hướng trồng tập trung tại một số địa phương thì thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình vùng trồng đạt tiêu chuẩn cấp mã số, phục vụ xuất khẩu tại các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 75 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh, trong đó vú sữa 22 mã số, bưởi 13 mã số, xoài 24 mã số, nhãn 16 mã số, với tổng diện tích hơn 497ha, có 541 hộ tham gia. Đồng thời, xây dựng 4 chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: vú sữa, bưởi, nhãn, xoài… Tính từ năm 2018 đến cuối năm 2021, tỉnh đã liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên 3.000 tấn trái cây.
Các giải pháp phát triển cây ăn trái đặc sản
Để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, góp phần nâng giá trị các loại trái cây đặc sản của tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và triển khai hỗ trợ sản xuất cây ăn trái đặc sản của tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Với mục tiêu là hỗ trợ phát triển các loại cây ăn trái đặc sản, khai thác, phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, gia tăng hiệu quả kinh tế vườn.
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, nhằm phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản của tỉnh bền vững, gắn thị trường tiêu thụ, đơn vị sẽ tiếp tục công tác quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung dựa trên thế mạnh đất đai và khí hậu của từng khu vực; phát triển mạng lưới cung cấp giống cây ăn trái tốt, chất lượng cao. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ...
"Về tiêu thụ và chế biến sản phẩm trái cây, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cho các nhà vườn, HTX, tổ hợp tác (THT) sản xuất trái cây tham gia các cuộc hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm của tỉnh đến nhiều doanh nghiệp, công ty với mục tiêu mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu..." - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã thông tin thêm.
Nhằm phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản và tiêu thụ tốt sản phẩm trái cây của tỉnh trên thị trường trong thời gian tới, đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân liên kết trong sản xuất theo hình thức HTX, THT, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, canh tác phải theo quy trình an toàn, sạch và theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, công ty; hỗ trợ các đơn vị liên quan trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để liên kết tiêu thụ sản phẩm. HTX, THT cần có kế hoạch sản xuất hợp lý, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, sản lượng trái cây theo hợp đồng đã ký kết với các công ty, doanh nghiệp. Phải luôn là tập thể đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn với công ty, doanh nghiệp và đặc biệt cần phải giữ chữ tín trong thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm...
Việc phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân cải thiện thu nhập, đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc phối hợp thực hiện của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, hy vọng đây sẽ là một trong những “đòn bẩy” đưa kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo Báo Sóc Trăng