Lực lượng kiểm lâm Sóc Trăng và các đơn vị liên quan được giao khoán rừng thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, nhằm bảo vệ rừng trong thời điểm nắng nóng. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống cháy rừng ở Sóc Trăng được đặc biệt quan tâm. Ngoài diện tích lớn là rừng phòng hộ ven biển ít nguy cơ về cháy do có thủy triều lên xuống thì các khu vực có diện tích rừng sản xuất tập trung ở các phân trường như: Phú Lợi, Thạnh Trị, Mỹ Phước 1 và 2, khu rừng đặc dụng tại Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng… nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng rất cao.
Sóc Trăng có diện tích rừng hơn 10.300ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 1.727ha, rừng trồng đã thành rừng gần 6.666ha và đất rừng đang trồng hơn 1.900ha. Theo phân loại mục đích sử dụng rừng thì toàn tỉnh có gần 6.800ha rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển ở các huyện: Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Diện tích rừng đặc dụng tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú cần bảo tồn là 270ha và diện tích rừng sản xuất là 3.235ha. Với diện tích rừng lớn, hằng năm vào các tháng mùa khô, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện tại, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng và các đơn vị liên quan được giao rừng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Theo chân lực lượng chuyên trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi đến Phân trường Thạnh Trị, thuộc địa bàn xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý, bảo vệ. Đoàn chúng tôi có hành trình băng qua nhiều cánh rừng tràm để kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô tại đây. Qua quan sát thực tế, bên dưới cánh rừng thì hầu hết bề mặt ở đây có lớp thực bì khá dày, với nhiều lá cây, lau sậy khô, còn dưới các kênh, mương lớn trữ nước, hiện lượng nước vẫn đảm bảo.
Lực lượng kiểm lâm Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: THÚY LIỄU
Ông Phạm Thanh Tùng - Phó Giám đốc Phân trường Thạnh Trị, người túc trực 24/24h tại phân trường cho hay, do tình hình thời tiết khắc nghiệt của những tháng đầu năm 2024 nên đơn vị đã triển khai các phương án dự trữ nước trong rừng bằng cách cho nạo vét kênh, mương thông thoáng. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu để phòng cháy, chữa cháy kịp thời và nhanh chóng. Đơn vị cũng đã thành lập được 5 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng với 27 thành viên. Tại phân trường cũng bố trí thành viên trực thường xuyên 24/24h, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, duy trì bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng để đảm bảo không có sự cố xảy ra hoặc khi có sự cố xảy ra sẽ xử lý nhanh, chuyên nghiệp, giảm thiệt hại rừng ở mức thấp nhất.
“Nhằm bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái tự nhiên trong cao điểm mùa khô, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền kiến thức liên quan kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho thành viên các tổ bảo vệ rừng, cũng như người dân sinh sống xung quanh khu vực. Thông qua cách làm này, đại đa số cán bộ, người dân nâng cao được tính chủ động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, khoa học với các lực lượng tham gia chữa cháy rừng”, ông Ngô Văn Hãnh - thành viên Tổ phòng cháy, chữa cháy rừng, Phân trường Thạnh Trị chia sẻ.
Rời Phân trường Phú Lợi, đoàn chúng tôi tiếp tục đến cánh rừng sản xuất chuyên trồng tràm tập trung tại Phân trường Mỹ Phước 1 và Mỹ Phước 2 thuộc địa bàn huyện Mỹ Tú. Ông Đỗ Xuân Dần - Giám đốc Phân trường Mỹ Phước 2 cho biết : “Mỗi phân trường được giao quản lý diện tích rừng trên dưới 1.200ha, bao gồm cả diện tích kênh, mương và diện tích đất phải trồng rừng. Trong những ngày nắng nóng này, các tổ phòng, chống cháy rừng ở các phân trường liên tục thay nhau đi tuần tra, kiểm soát, phát hiện những khu vực có nguy cơ cháy cao để có phương án phòng chống, nhắc nhở người dân khu vực bìa rừng và qua lại trong rừng có ý thức và biện pháp phòng, chống cháy rừng, tuyệt đối không sử dụng lửa, hút thuốc trong rừng bởi 1 mồi lửa, tàn thuốc cũng nguy cơ cháy cả một khu vực lớn. Nhất là thường xuyên nhắc nhở người dân khi có dịp vào rừng khai thác nguồn lợi thủy sản hay lấy mật ong".
Là thành viên tích cực trong Tổ phòng, chống cháy rừng của Phân trường Mỹ Phước 2, ông Nguyễn Văn Trọng bộc bạch: "Mặc dù thời tiết hiện nay oi bức khó chịu nhưng tất cả các thành viên trong tổ luôn nêu cao tinh thần bảo vệ rừng, chống “ giặc lửa”; do đó, tổ vừa tuần tra bảo quản vừa tuyên truyền hộ dân sống cạnh bìa rừng về ý thức phòng, chống cháy. Việc tuần tra được thành viên chia ra theo từng khu vực để thuận tiện tuần tra 2 buổi/ngày, khi phát hiện có sự cố sẽ báo ngay với ban giám đốc để xử lý kịp thời".
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng Nguyễn Hiếu Học cho biết: “Mùa khô năm nay khắc nghiệt, nắng nóng liên tục nên nguy cơ cháy rất cao. Ở giai đoạn này, những cánh rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đang ở cấp độ cảnh báo cháy rừng là cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Để bảo vệ rừng trước tình hình nắng nóng gay gắt có nguy cơ cháy cao, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong lĩnh vực lâm nghiệp năm 2024; tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng tại các trường học và người dân tại các địa phương có rừng. Tiếp tục thành lập tổ kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô của các phân trường thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng và Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Thực hiện tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, truy quét các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Giám sát, nắm tình hình, kiểm tra các điểm nóng làm gây hại rừng và đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng…”.
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)