Sóc Trăng: Từ khởi nghiệp đến nâng cấp sản vật địa phương

20/02/2023 - 14:30

Khô cá rô phi nước lợ một nắng, chả cá rô phi đã trở thành thương hiệu của Tổ phụ nữ sản xuất Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Mỗi năm, tổ xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn chả cá và hàng trăm kílôgam khô cá rô phi một nắng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên, tạo động lực để các thành viên tăng gia sản xuất.

Từ 8 giờ sáng, các thành viên của tổ sản xuất bắt đầu công việc. Sau khi làm sạch hơn 150kg cá rô phi tươi, sơ chế và ướp gia vị, phần thịt cá đã loại bỏ xương và da thì được đưa vào máy xay. Khi thành phẩm, chả cá sẽ được đóng gói rồi cho vào kho lạnh bảo quản chờ đến giờ giao cho khách.

Trong khi các thành viên khác chế biến chả cá thì chị Huỳnh Thị Ly - Tổ trưởng Tổ phụ nữ sản xuất Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê lại bận rộn với công việc đóng gói sản phẩm khô cá rô phi phi lê đã được phơi, sấy khô. Kể từ năm ngoái, lượng khách hàng tăng, có khi đến 20 giờ tối chị Ly và các thành viên vẫn còn tất bật đóng gói, dán nhãn sản phẩm để kịp giao cho khách.

Chị Huỳnh Thị Ly - Tổ trưởng Tổ phụ nữ sản xuất Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê kiểm tra sản phẩm khô cá rô phi một nắng trước khi đóng gói. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

“Năm 2018, nhận thấy ở địa phương có nguồn cá rô phi dồi dào, chúng tôi mới vận động một số chị em phụ nữ thử làm chả cá rô phi. Đồng thời với việc sản xuất thì chúng tôi tích cực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Thị trường đầu tiên là ở Hà Nội, trong đợt giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ. Do cá nguyên liệu là cá tự nhiên, vị lại vừa ăn nên khách ưa dùng và bắt đầu đặt hàng. Những chuyến hàng đầu tiên tổ xuất bán vài chục ký, mang lại sự phấn khởi cho các chị. Có động lực, mọi người bắt tay vào thử nghiệm làm thêm khô cá rô phi phi lê, chà bông cá. May mắn là các sản phẩm này đều được khen ngợi, rồi dần dần, người này mua xong thì giới thiệu người kia, đơn hàng ngày một nhiều hơn. Đến năm 2020, để thuận tiện cho hoạt động sản xuất, Tổ phụ nữ sản xuất Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê ra đời với 8 thành viên, trong đó chị Huỳnh Thị Ly là đầu mối sản xuất và giao nhận hàng” - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê Mã Văn Hồng kể về hành trình đưa các sản phẩm chế biến từ cá rô phi ra thị trường.

Hiện nay, nguồn khách hàng sỉ tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Ninh. Theo chị Huỳnh Thị Ly, nguồn cá nguyên liệu thu mua của bà con trong vùng, cá được nuôi tự nhiên trong các ao lắng nên thịt cá thơm ngon. Trung bình mỗi ngày, tổ phải làm sạch từ hơn 100 - 200kg cá tươi để làm ra các sản phẩm. Giá chả cá bán ra thị trường là 120.000 đồng/kg, giá cá khô là 320.000 đồng/kg, chà bông cá là 500.000 đồng/kg. Để tiện cho người mua dùng thử, cá khô sẽ được đóng gói trọng lượng một vỉ 250g; chả cá đóng gói 500g; chà bông chủ yếu đóng hộp 100g.

“Để hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn định như hiện nay là nhờ các thành viên đồng lòng trước những khó khăn. Lúc mới bắt tay vào làm, sản phẩm không đạt phải làm đi làm lại nhiều lần; trong khâu bảo quản, nếu hư hỏng thì phải bỏ. Đến lúc có được khách hàng thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên phải ngưng việc sản xuất, mua bán không được. Khi dịch bệnh qua đi, các chị em mới động viên nhau làm việc, ai có điều kiện thì góp vốn sản xuất, còn không thì làm tính công lao động, dần dần mọi thứ cũng ổn định lại. Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, tổ trang bị thiết bị, máy móc hiện đại như: máy nhồi chả, lò sấy, kho đông lạnh. Mới đây, tổ trang bị thêm máy lọc xương cá và máy nhồi chả công suất lớn để xử lý nguyên liệu nhanh, nhiều hơn. Bình thường, để lọc xương khoảng 200kg, cần 5 người làm, với máy lọc xương chỉ cần vận hành máy thì khoảng một giờ là xử lý xong khối lượng 200kg cá” - chị Ly chia sẻ thêm.

Hiện nay, ngoài sản phẩm chủ lực từ cá rô phi, tổ còn làm thêm chà bông tôm, bánh phồng tôm, tôm khô dẻo, muối tôm, để tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Chị Trương Cẩm Hường, một thành viên của tổ phụ nữ sản xuất tâm sự: “Do đơn hàng thường xuyên nên từ 8 giờ sáng, mọi người đến tập trung làm việc, các chị em làm công được nhận số tiền là 15.000 đồng/giờ. Từ nguồn thu nhập này mà cuộc sống gia đình của mọi người thoải mái hơn trước. Sắp tới đây tiền công theo giờ sẽ tăng lên nên ai cũng thấy vui. Mong muốn của chúng tôi là ngày càng có nhiều người biết đến các sản phẩm của Tổ phụ nữ sản xuất Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, đó cũng là một niềm tự hào”.

Được biết, cuối năm 2022, Tổ phụ nữ sản xuất Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê được cấp tem chống hàng giả và các sản phẩm của tổ cũng đã được đăng ký thương hiệu, nhãn mác riêng. Thời gian vừa qua, được động viên, hỗ trợ của địa phương và Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS), các sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở nhiều hội chợ thương mại quy mô lớn, trong đó, các sản phẩm từ cá rô phi được xem là đặc sản ngon, mới của địa phương.

Theo Báo Sóc Trăng