Sức vươn Cù lao Tây

20/05/2025 - 09:55

Giữa dòng Tiền Giang hiền hoà, nơi sóng nước mênh mang và đất phù sa màu mỡ, có một vùng đất đang lặng lẽ thay da đổi thịt: Cù lao Tây, thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp. Mảnh đất này từng một thời lận đận bởi giao thông trắc trở, kinh tế khó khăn, nhưng hôm nay, nhờ những chủ trương đúng đắn, sự đồng lòng của chính quyền và người dân, Cù lao Tây đã bừng sáng như một đoá sen vươn mình từ bùn lầy, thanh khiết, đầy sức sống.

Ðánh thức “giấc mơ”

Cù lao Tây là một phần kết cấu có điều kiện tự nhiên đặc biệt của huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp, gồm 5 xã: Tân Bình, Tân Long, Tân Huề, Tân Hoà và Tân Quới. Quanh năm, bao bọc bốn bề sông nước, thuyền ghe xuôi ngược. Nhiều năm trước, đường bộ ở cù lao còn nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, xuống cấp vào mùa nắng, nhiều đoạn chỉ là đất đỏ hay lớp bê-tông mỏng manh, chông chênh như chính cuộc sống người dân bám ruộng, bám sông.

Giao thông thuỷ dù gắn bó mật thiết nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn. Những chuyến hàng nông sản chậm trễ, học trò đến trường ướt lấm bùn non, bà con đi chợ phải canh con nước... Thiếu cầu, thiếu cống, thiếu đường đi,... tất cả như những sợi dây vô hình níu bước phát triển của vùng cù lao giàu tiềm năng này.

Cù lao Tây nhìn từ trên cao.

Cù lao Tây nhìn từ trên cao.

Niềm vui như vỡ oà khi tháng 1/2025, Chính phủ ban hành Quyết định 149/QÐ-TTg phê duyệt dự án “Nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu vùng Cù lao Tây”. Dự án có tổng chiều dài hơn 96 km, chia làm hai hợp phần quan trọng, với tổng mức đầu tư trên 678 tỷ đồng. Hợp phần thứ nhất hướng đến củng cố hệ thống đê bao kết hợp giao thông nông thôn. Tuyến đê cấp IV Cù lao Tây dài hơn 48 km cùng đê Rạch Mã Trường hơn 16 km được nâng cấp với nền đường mở rộng lên đến 9 m, giúp ô tô, xe tải lưu thông dễ dàng. Bên cạnh đó là 8 cống hở được cải tạo, 4 trạm bơm - tiêu chống ngập hiện đại, hệ thống cống thoát nước... tất cả nhằm đảm bảo cho mùa lũ không còn là nỗi ám ảnh.

Hợp phần thứ hai nâng cấp các tuyến đường trọng yếu như Tân Bình - Tân Huề, đường từ cầu Tân Long đến bến phà Tân Bình, với nền rộng 7,5 m, mặt đường 5,5 m. Ngoài ra, tuyến kênh Rạch Mã Trường được nạo vét hơn 20 km, tạo thêm dòng chảy thông suốt cho sản xuất và sinh hoạt. Ông Võ Văn Bi, người dân xã Tân Hoà, xúc động: “Ðường làm xong, bà con mừng lắm. Giờ ai cũng dễ dàng đi lại, hàng hoá bán được giá hơn. Mấy chị em trồng thêm hàng hoa hai bên đường, coi mà ấm lòng”. Ðiều đáng quý, gần 6.000 hộ dân đã hiến hơn 708.000 m² đất trị giá 271 tỷ đồng mà không đòi hỏi gì thêm, chỉ mong quê mình khang trang, sạch đẹp.

Khởi sắc xứ cù lao

Từ những cung đường mới mở, cuộc sống người dân nơi đây dường như cũng được trải rộng thêm những khát vọng. Những cây cầu tạm trước kia chỉ đủ gánh một chiếc xe đạp giờ được thay thế bằng cầu bê tông vững chãi, đảm bảo an toàn cho xe máy, xe tải đi qua. Trẻ nhỏ không còn phải dậy sớm chèo xuồng đi học, người già không còn sợ mỗi lần đi khám bệnh vì đường trơn trượt.

Em Nguyễn Thị Nha Ríp, học sinh Trường THPT Thanh Bình 2, chia sẻ: “Ngày trước tụi con tới trường cực lắm. Mùa mưa đường ngập, bùn trơn trợt, có bữa té giập chân. Giờ có đường mới, sạch đẹp, con mừng lắm, quyết học giỏi để sau này quay về giúp quê”. Nông dân thì thêm phần phấn khởi. Vận chuyển hàng hoá thuận tiện, chi phí giảm, giá trị sản phẩm tăng. Nhiều hộ dân bắt đầu mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn trái, rau màu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ. Cơ sở hạ tầng tốt cũng mở đường cho doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm, mở rộng đầu ra cho nông sản. Bà Nguyễn Thị Diệp ở xã Tân Quới, kể: “Hồi trước, muốn chở hàng ra chợ là phải đợi nước lên, nay thì lên xe chạy cái vèo. Người mua cũng đông hơn, mình không bị ép giá như trước nữa”.

Cù lao Tây được ví như “lá phổi xanh” với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Cù lao Tây được ví như “lá phổi xanh” với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Không chỉ phát triển nông nghiệp, Cù lao Tây còn bắt đầu thu hút khách du lịch. Cảnh quan sông nước hữu tình, vườn trái cây sum suê, những con đường hoa nở rộ hai bên bờ ruộng đã trở thành nét chấm phá cho du lịch sinh thái, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của vùng Ðồng Tháp Mười. Ông Võ Thành Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, tâm sự: “Chúng tôi rất trân trọng sự đồng thuận của người dân. Thành quả hôm nay là kết quả của sự kiên trì và thấu hiểu. Hạ tầng là nền móng, nhưng trên nền móng ấy là sự nỗ lực, sáng tạo và đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân”.

Một vùng đất từng “nghèo hạ tầng, thiếu cơ hội”, Cù lao Tây đang lột xác từng ngày, chuyển mình mạnh mẽ giữa lòng miền Tây sông nước. Không còn là những con đường lầy lội, những cây cầu tạm bợ, giờ đây Cù lao Tây đang khẳng định tiềm năng nội lực của mình trong bức tranh phát triển chung của tỉnh Ðồng Tháp. Ðiều đáng nói, sự thay đổi ở Cù lao Tây cũng là bước đệm quan trọng trong lộ trình thực hiện Ðề án sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng bỏ cấp huyện, mở rộng quy mô xã, nhập tỉnh. Trong tương lai gần, mô hình tổ chức hành chính mới sẽ cần những địa phương có nền tảng vững chắc để trở thành hạt nhân phát triển. Và Cù lao Tây, với tinh thần vượt khó, với lòng người nồng hậu, với ý chí “dám nghĩ, dám làm” đang được kỳ vọng là một trong những điểm sáng như thế.

Ðầu mùa mưa, nước Sông Tiền đỏ nặng phù sa chảy qua Cù lao Tây như tô đắp thêm cho “lá phổi xanh” của vùng đất sen hồng. Cù lao Tây vẫn dung dị như tên gọi, đang ngày đêm cất lên khúc hát tươi mới, sâu lắng như chính mảnh đất, tình người nơi đây: chân chất, kiên cường và không ngừng vươn lên./.

Theo Báo Cà Mau