Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Trưởng Ban liên lạc Lữ đoàn pháo binh 6, trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh (bìa trái) Nhà tưởng niệm liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6.
Nhà tưởng niệm nên hình hài cũng là lúc bao ký ức của biết bao nhiêu con người từng vào sinh ra tử ở đơn vị ùa về; người Hậu Giang khi được hỏi đến cũng thổ lộ tâm tình.
Nói không nên lời
Vị tướng già Tư Niên - Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Trưởng Ban liên lạc Lữ đoàn pháo binh 6, khi được hỏi về Nhà tưởng niệm này, đã bật khóc, nói không tròn lời: “mừng… quá…mừng!”.
Ông Tư mừng vì từ khi có ý tưởng, phát động xây dựng nhà tưởng niệm đã được nhiều cấp, nhiều ngành, cá nhân hết lòng ủng hộ. Mừng vì đồng đội mình sau bao nhiêu năm về với đất mẹ nay mới được ở trong ngôi nhà khang trang ngay chính nơi mình “nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Và xúc động không kém của vị tướng anh hùng có lẽ là 51 cán bộ, chiến sĩ trong trận đánh này đều có quê quán ở xa nhưng được người dân đất Hậu sẵn lòng sẻ chia “đất quý” - mặt tiền lộ xây cất “cơ ngơi” để các anh nghỉ ngơi, tấm lòng ấy thật đáng trân trọng biết bao. Tính ra thì cũng 48 năm rồi các anh mới có nhà cao cửa rộng thế này.
47-48 năm, câu chuyện như thể trùng hợp của một gia đình có thân nhân là liệt sĩ ở đất Hậu Giang anh hùng cũng nửa thế kỷ rồi mới “đoàn tụ”.
Chuyện là tháng 7 vừa rồi, ông Út Thịnh (Bùi Quốc Thịnh), ngụ xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cùng gia đình bắt xe đi hàng trăm cây số tới Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long thắp cho anh Ba nén hương thơm.
Ông Út kể, anh Ba thoát ly gia đình khi tuổi còn rất trẻ, rời Hậu Giang tham gia đánh Mỹ ở tỉnh bạn, rồi nằm luôn bên ấy… Đến 30-4 vừa rồi mới xác định được phần mộ và anh chị em mới có nơi hương khói chính thức.
Ông Thịnh sau khi viếng anh mình về đã ghé thăm Nhà tưởng niệm liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6, nghe lịch sử có mấy chục chiến sĩ “xứ lạ quê người” anh dũng hy sinh trong một trận chống càn, làm ông thêm bùi ngùi.
Gia đình ông Út Thịnh thuộc diện có công với cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ với 2 người anh là thương binh và anh Ba hy sinh khi cuộc chiến chống Mỹ sắp kết thúc; và cũng ngần ấy năm (47 năm) phần mộ liệt sĩ này mới chính thức có tên…
Ông Thịnh cho biết, mất mát hy sinh của một gia đình đã quá đau đớn rồi, đằng này, trong một vài giờ của trận đánh, giặc đã cướp đi sinh mạng của 51 anh hùng, vậy không nghẹn lòng sao được.
“Anh của tôi hy sinh 47 năm sau mới tìm được mộ, các anh ở đây cũng 47-48 năm mới có được nhà, thật sự là cảm xúc trùng hợp; niềm vui mừng của gia đình tôi và các anh, các chú ở Lữ đoàn thật khó mà tả được bằng lời”, nói rồi, ông Út nghẹn ngào nấc từng chữ, từng câu...
Nghe vọng tiếng chuông ơn
Sự đồng cảm ấy chắc hẳn không chỉ với gia đình Út Thịnh mà còn nhiều lắm với những gia đình, người con Hậu Giang giàu lòng yêu nước.
Trở lại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 dịp rằm tháng 7-2022 thật bồi hồi. Tiếng mõ, chuông vọng cầu siêu làm bao người cầu nguyện như muốn được nhìn thấy, trò chuyện cùng các anh, khóc cùng các anh linh.
Có lẽ người cảm nhận đầu tiên và sâu sắc là anh Lê Văn Chênh, ở ấp 5, người sẵn lòng giao đất thật sớm để thi công Nhà tưởng niệm.
Trên diện tích khu này có 5.000m2 thì gia đình anh đã giao 3.700m2. Anh Chênh chia sẻ: Khi nghe vận động làm khu di tích để ghi công các anh hùng liệt sĩ là đồng ý; tôi biết, nếu không đồng ý, để đất sau này sẽ có giá cao hơn nhưng người ta đã không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc thì mình so bì chi chút đỉnh tiền bồi thường, hỗ trợ; sống thì phải có trách nhiệm với quê hương.
“Có người nằm xuống thì mình mới có thanh bình như hôm nay, mần ăn được, chứ đất nước xáo trộn thì mần ăn gì, vì vậy tôi và vợ thống nhất cao giao đất sớm cho đơn vị thi công; giờ qua lại nơi đây luôn mừng thầm vì mình đã góp chút công cho lịch sử dân tộc”, anh Chênh nói thêm.
Còn ông Khưu Văn Do, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, mỗi lần bước chân vào khu này đều bồi hồi. Hỏi vì sao như vậy thì ông nói gia đình mình cũng thuộc diện chính sách, thấu hiểu được những hy sinh của dân tộc đối với độc lập hôm nay; giờ biết lịch sử Nhà tưởng niệm lại càng trân quý người ra đi, trân trọng người ở lại trọn nghĩa vẹn tình sau trước với đồng chí mình.
“Đây là khu di tích lịch sử lớn, khang trang để nhắc nhở thế hệ hiện nay và sau này phải luôn khắc ghi công lao của các anh hùng. Ta thắng một quân đội hùng mạnh thì chắc chắn phải mất mát, hy sinh. Tôi cũng được biết, các anh ở đây nằm xuống đều có quê hương xa xôi, nay đồng đội xây dựng cho được nhà bia, chắc các anh có chỗ kín đáo và cười tươi nơi chín suối!”, ông Do tâm sự.
Không những anh Chênh, ông Do mà ông Nguyễn Văn Còn (Ba Minh) cũng rất quan tâm, thường xuyên biết được các hoạt động ở đây. Ba Minh có nhà gần khu này, nói những lúc nơi đây gióng lên tiếng chuông làm tôi đau đáu nhớ về những mất mát, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng; nghe tiếng chuông như thể mình có làm gì thì phải dừng lại hồi nhớ lại công lao của các anh hùng…
Là người con quê hương Vĩnh Thuận Tây, Ba Minh cho hay, dù không góp gì nhiều cho khu di tích nhưng sẽ luôn phấn đấu, giáo dục con cháu lòng biết ơn, hăng say lao động để không phụ người đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc.
***
Hậu Giang những ngày chớm đông không lạnh lắm! Lập đông cũng ấm áp tình người! Người Hậu Giang nghĩa tình, thủy chung, bởi vậy mà Nhà tưởng niệm liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 sớm nên hình hài, làm ấm lòng người ra đi, hân hoan người ở lại!
Nhà tưởng niệm sừng sững nơi các anh chắc tay súng “nhằm thẳng quân thù mà bắn” nhắc chúng ta không được phút giây nào quên: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” để nuôi khát vọng góp sức xây dựng quê hương, đất nước phát triển phồn vinh!
Theo Báo Hậu Giang