Tản mạn về chuyện đò giang cầu kỳ

09/02/2022 - 09:57

Cách một khúc sông kêu là cách thủy
Sài Gòn xa chợ Mỹ không xa…

MỸ THO - ĐÔI BỜ BẢO ĐỊNH… 

Trong buổi đầu của quá trình Nam tiến khoảng 400 năm trước, có một số người Việt đã đến vùng Bắc sông Tiền khai phá rừng, bụi hoang dã và đã trụ lại được trên vùng đất bằng phẳng ven bờ mấy vàm rạch. Họ lần hồi xây dựng, phát triển bãi bờ của nhánh rạch dọc thôn Mỹ Chánh thời đó trở thành một chợ phố lớn, sầm uất vang danh là Mỹ Tho đại phố.


Phà Rạch Miễu đã đi vào hoài niệm. Ảnh: S.T

Theo thời gian, dần dà Mỹ Tho trở thành lỵ sở của đạo, dinh; đến trấn thời nhà Nguyễn thì vàm rạch đó là nơi tắm ngựa của binh kỵ quan quân (bến Tắm Ngựa). Thời thuộc địa, người Pháp đã lấp nhánh rạch này (đường Nguyễn Huỳnh Đức bây giờ), xây dựng trung tâm về phía Tây bên kia Bảo Định hà, là vùng mà trước đó, thời vua Minh Mạng đã cho dời lỵ sở sang đây.

Dễ thấy ngã ba nơi sông Bảo Định giao dòng với sông Tiền (vàm Bảo Định), là địa thế chính của Mỹ Tho xưa nay.

Bảo Định là con kinh đào đầu tiên ở miền Nam, do quan quân chúa Nguyễn đào nối ngọn rạch Vũng Gù của sông Vàm Cỏ với ngọn rạch Mỹ Tho của sông Tiền để dùng trong việc binh bị; sau bị bùn lầy tích tụ, nên vua Gia Long cho nạo vét lớn, mở rộng, đào sửa các đoạn quanh co. Hoàn thành việc cải tạo (với chiều ngang khoảng 34 m, sâu 4 m, hai bên bờ có đường đắp đất), vua đặt tên là Bảo Định hà (sau đó các vua triều Nguyễn, rồi tới người Pháp từng đổi tên sông mấy lần, nhưng tên ban đầu vẫn quen thuộc xưa nay) và cho tạc bia đá để truyền lưu.

Sông đã làm cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, các chi lưu từ dòng chính đã dẫn nước tưới tiêu cho một vùng rộng lớn hai bên bờ. Nhà Nguyễn cũng đặt giang trạm Điều Hòa kết nối hai bờ bằng đò ngang để tiện vận chuyển công văn, nên còn có tên là kinh Trạm (từng bắc cầu Quỳ Tông nhưng không chịu được nước chảy xiết nên dỡ bỏ). Vùng này còn lưu truyền bài ca dao:

Sông sâu sào vắn khó dò
Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa
Đò đưa một chuyến năm tiền
Đưa luôn hai chuyến trả liền một quan.

1 quan là 600 đồng tiền kẽm (quy tương đối theo thời giá khoảng 600 ngàn đồng). Bài ca dao trên đã nêu rõ sự cách trở đò giang vùng sông rạch.

Khoảng năm 1890, người Pháp xây cây cầu sắt đầu tiên bắc qua sông Bảo Định (mà họ gọi là kinh Bưu Điện) để thay thế cho những cầu thô sơ hoặc những chiếc đò ngang nhỏ. Đó chính là cầu Quay, với nhịp giữa gồm 2 đoạn riêng biệt, có thể quay để kéo giở lên cao cho tàu bè qua lại.

Cầu Quay sắt mang dấu ấn thiết kế và kỹ thuật làm tháp Eiffel (Paris) tiên tiến của người Pháp nổi tiếng đương thời, là một công trình độc đáo thời đó, nối liền đường Thủ Khoa Huân với đường Đinh Bộ Lĩnh hiện nay, kết nối hai khu vực Đông - Tây của Mỹ Tho thời đó. Năm 1938, cầu sắt sập, đã được đúc bằng bê tông cốt thép thay thế. Năm 1993 lại được phá dỡ để xây mới kiên cố, rộng rãi hơn.

… VÀ MỸ THO - ĐÔI BỜ SÔNG TIỀN

Đi lại trên địa bàn “sông sâu nước chảy” khi chưa có cầu thì “qua sông phải lụy đò” là không thể khác. Thời điểm có tổ chức đò ngang đầu tiên qua sông Tiền khó xác định, nhưng tính từ lúc người Pháp có mặt thì trước năm 1900 đã có đò chèo do một Ấn kiều trúng đấu giá khai thác, mỗi ngày có 1 lượt chuyến đi - về; bến chính đặt ở bờ Nam tại vàm Rạch Miểu, xã Tân Thạch, quận An Hóa (lúc đó thuộc Mỹ Tho, năm 1956 mới tách về Bến Tre), bến đò bờ Bắc đặt ở bến Tắm Ngựa. Đò là chiếc ghe lớn ba chèo có căng buồm khi thuận gió. Sách “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của tác giả Nguyễn Liên Phong in năm 1909 viết:

Qua sông Rạch Miễu có đò
Một ngày hai buổi ra vô hoài hoài
Cồn Rồng nay cất lâu đài
Một lầu cao thấp trong ngoài làm nhơn* (trại phong?)

Có người già cho biết, ông bà họ kể rằng, mùa gió chướng có cá nược (tên dân địa phương chỉ một loại cá heo vui tính) từ biển vào sông, hay nổi lên đua với đò chèo khi được kêu “Nược, nược lên đua!”. Từ khoảng năm 1950 đò ghe bắt đầu đươc gắn máy, nên cá thường bị trúng “chân vịt”, từ đó thưa thớt dần rồi mất hẳn.

Khoảng 1910 xuất hiện loại sà lan tự hành gọi là “bắc” (BAC - phà tiếng Pháp) nên phải dời bến: Bờ Nam dời nối vào cầu phà Quốc lộ 60 ở Tân Thạch gọi là cầu Bắc Rạch Miểu, còn bờ Bắc dời về cuối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (sau lại về phường 6) gọi là cầu Bắc. Thủy trình hai bờ trên 3 km, chạy vòng qua cồn Phụng, cồn Lân mất khoảng 15 tới 30 phút tùy tải trọng loại phà. Ai đó có lẽ sẽ nhớ bài hát “Phải lòng con gái Bến Tre” của nhạc Phan Ni Tấn, thơ Luân Hoán):

Bậu qua phà Rạch Miễu
Qua lẽo đẽo theo sau… 

Tháng 1-2009 phà ngưng hoạt động vì cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng, nhưng đầu năm 2021 phà ngang tên Rạch Miễu tái xuất hiện trở lại, bến Nam đặt ở xã Phú Túc (Bến Tre) và bến bờ Bắc đặt tại xã Song Thuận (Tiền Giang).

Cầu Rạch Miễu thế vai cho phà là cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam thiết kế, thi công và dài nhất Đồng bằng sông Cửu Long, thông xe sau gần 7 năm thi công, dài hơn 8 km (trong đó cầu chính gần 3 km). Kinh tế phát triển, nên chỉ hơn 10 năm sử dụng cầu đã quá tải, chờ xây tiếp cầu Rạch Miễu 2 (dài hơn 17 km, cách cầu cũ khoảng 4 km về thượng nguồn), dự kiến thông xe năm 2025.

Dòng sông Tiền quanh quanh ngoạn mục
Cầu Rạch Miễu cao ngút dây văng
Cồn Thới Sơn ta đi trực tuyến
Xe thong dong thẳng tiến Bến Tre
Ngoái đầu máy “BAC” còn nghe
Người về vẫn nhớ phà xe năm nào!

Ngày nay, Mỹ Tho đã mở ra cả bốn hướng (tuy hướng chính vẫn là Tây và Bắc); và trên địa bàn mở rộng đã mọc lên bao công trình mới, như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Quảng trường Hùng Vương, các kè sông và đường bờ kè, rất nhiều cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội… khắp nơi; đồng bộ theo đó là nhiều cầu, đường, phà được cải tạo nâng cấp hoặc “mới tinh”… Câu ca dao ví dầu một thời thường nghe khi đưa võng ru em đã dần đi vào hoài niệm:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…

Nhìn trong tỉnh thì phà Mỹ Thuận nối 2 tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long từng đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận tải đường bộ ở miền Tây đã ngưng hoạt động khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, đang khởi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ; phía Đông thì cầu Mỹ Lợi cũng đã kết thúc vai trò của phà để gánh vác việc kết nối đường bộ Tiền Giang - Long An. Các huyện trong tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng những cầu “không hề nhỏ”, như cầu Ngũ Hiệp (Cai Lậy), Long Hưng (Châu Thành), Bình Xuân (Gò Công)…

Theo NGỌC HÙNG (Báo Ấp Bắc)