Thu hoạch tôm công nghệ cao tại Tập đoàn Việt - Úc Bạc Liêu.
NHÌN LẠI CÁC THÁCH THỨC
Phải khẳng định rằng, năm 2022 nền kinh tế tỉnh nhà đã rất nỗ lực và quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của thời kỳ hậu COVID-19 nên phần lớn các chỉ tiêu về kinh tế đều không đạt kế hoạch đề ra.
Đối với một số chỉ tiêu đạt như sản xuất nông nghiệp được xem là “trụ cột” của nền kinh tế cũng tăng trưởng trong khó khăn và thiếu bền vững. Cụ thể, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2022 chỉ đạt mức 5% so với năm 2021 tăng 4,45%.
Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng không cao này chính là tình hình thời tiết diễn biến khó lường và các đợt mưa trái mùa đã làm thiệt hại 1.260ha sản xuất muối với trị giá hàng chục tỷ đồng. Hay do ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện kèm theo dông lốc từ tháng 7 kéo dài đến 9/2022 đã làm cho một số diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh bị ngập úng và đổ ngã (làm giảm năng suất và cả lợi nhuận).
Thêm vào đó, mưa nhiều gây ngập úng, giá vật tư đầu vào tăng nên nhiều nơi nông dân không sản xuất lúa vụ thu đông và bỏ trống diện tích khoảng 4.000ha không xuống giống nên sản lượng lúa không đạt kế hoạch đề ra.
Mặt khác, giá dầu tăng cao, giá sản phẩm đầu ra không tăng (có lúc còn giảm) đã làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đội tàu khai thác thủy sản, nhất là đội tàu lưới kéo xa bờ…
Theo Sở NN&PTNT, để khắc phục những khó khăn và đưa sản xuất nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế, năm 2023 ngành Nông nghiệp sẽ tập trung làm tốt công tác điều tiết nước, kết hợp vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới để phục vụ sản xuất cho nông dân, nhất là những tháng đầu năm 2023 gắn với chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.
Đặc biệt, sẽ tiếp tục xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và triển khai ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, sinh thái, hữu cơ...
Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, nhất là môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT sẽ chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa những chủ trương, nghị quyết, mục tiêu, chỉ tiêu... bằng các kế hoạch, đề án, chương trình, cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn năm 2023. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023.
Kỹ sư vận hành Trạm biến áp tại Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu. Ảnh: K.T
XÂY DỰNG TRUNG TÂM NĂNG LƯỢNG SẠCH
Bạc Liêu xác định năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đặt ra mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Với quyết tâm đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền với tổng công suất trên 469MW và đứng thứ 3 trong cả nước, tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh.
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu về khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có.
Nguyên nhân là do hệ thống lưới truyền tải điện của tỉnh còn thiếu và yếu, mới chỉ có đường dây 110kV và 220kV, đặc biệt là chưa có đường dây 500kV nên không đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các dự án nhà máy điện gió và cả dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW trong thời gian tới. Vì vậy, nhiều nhà máy điện gió hiện nay phải tạm cắt giảm công suất, gây lãng phí tài nguyên gió và cả vốn đầu tư cho những công trình ngàn tỷ nhưng không được khai thác hết. Cũng như, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra từ nguồn thu tiềm năng này.
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện các dự án lưới điện truyền tải theo quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực. Điện mặt trời về lâu dài sẽ là nguồn phát sinh chất thải ảnh hưởng đến môi trường, hiện nay chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Cơ chế chính sách về phát triển điện gió, điện mặt trời thường thay đổi, đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua…
Theo Sở Công thương, để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tạo nên những đột phá cho năm 2023, Bạc Liêu cần đẩy nhanh công tác lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tích hợp phương án phát triển năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các dự án nguồn và lưới điện khác theo Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là các dự án lưới điện truyền tải 500kV, 220kV, 110kV đồng bộ với các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí và điện sinh khối, nhằm đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, hỗ trợ duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng công suất trên 469MW. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án: Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (141MW), Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu giai đoạn 1 (Đông Hải 2) 50MW sớm hoàn thành trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành trung tâm năng lượng sạch và trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia vào năm 2030.
Cùng với quyết tâm trên, Bạc Liêu cũng đề xuất Chính phủ sớm xem xét ban hành cơ chế giá trong phát triển điện gió và điện mặt trời để các nhà đầu tư yên tâm trong đầu tư vào lĩnh vực này. Cũng như Bộ Công thương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được đưa vào quy hoạch giai đoạn đến năm 2025 tổng cộng 2.000MW điện gió (gồm 500MW điện gió trên bờ và 1.500MW điện gió ngoài khơi), nhằm góp phần phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh. Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho đầu tư đường dây và trạm biến áp 500kV của Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW. Trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đầu tư đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét và sớm đầu tư các dự án lưới điện 110kV, 220kV, 500kV đồng bộ với các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giải tỏa hết công suất các dự án nhà máy Điện gió và Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW trong thời gian tới…
Theo KIM TRUNG (Báo Bạc Liêu)