Chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây (bìa trái) quảng bá và tìm cơ hội liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Diễn đàn Mekong Connect 2024 tại An Giang.
Nhiều giải pháp hỗ trợ cho chủ thể OCOP
Hợp tác xã Kỳ Như, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, hiện là một trong những hợp tác xã (HTX) của tỉnh không chỉ thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà đơn vị này còn là chủ thể của nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cụ thể, trong tổng số khoảng 40 sản phẩm về mặt hàng thủy sản (chủ lực là cá thát lát) của HTX Kỳ Như đang sản xuất, kinh doanh thì hiện có 11 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, trong đó sản phẩm chả cá thát lát tươi Kỳ Như đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024” và 2 sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị, chả cá thát lát viên Kỳ Như được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu cấp vùng ĐBSCL. Để có được kết quả trên thì theo chia sẻ của lãnh đạo HTX Kỳ Như, thời gian qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực về nhiều mặt của ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở.
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, thông tin: “Trong giai đoạn đầu thực hiện sản phẩm OCOP, HTX cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp nên HTX được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh; trong đó gần nhất là HTX đang được hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho và nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh tại HTX. Điển hình là từ khi có máy sấy làm khô các loại thực phẩm từ nguồn năng lượng mặt trời đã giúp cho HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm công sức và chi phí đầu tư, nhất là giảm được 50% nhân công lao động bằng thủ công”.
Bên cạnh hỗ trợ về cơ sở vật chất và trang thiết bị thì thời gian qua, nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh còn được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại nhiều kỳ hội chợ, hội nghị cấp tỉnh và khu vực. Đặc biệt, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh chọn sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng cho các đoàn công tác tỉnh vào dịp lễ, tết. Qua đây góp phần giúp chủ thể quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh đều được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử để giúp chủ thể dễ dàng kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bà Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: Từ đầu năm đến nay, cơ sở luôn được ngành chức năng tỉnh tạo điều kiện đi tham dự nhiều sự kiện liên quan đến kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của đơn vị. Trong đó lần gần nhất là tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra từ ngày 17 đến ngày 18-12 tại tỉnh An Giang; qua đây tạo cơ hội lớn cho cơ sở có dịp giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm với gần 30 doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Chính nhờ việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại mà các sản phẩm của cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến, từ đó giúp cơ sở ngày càng phát triển mạnh thương hiệu của mình.
Tạo sản phẩm an toàn gắn với liên kết chuỗi
Bên cạnh những yếu tố trên thì việc thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh thực hiện quyết liệt trong thời gian qua cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có 22 chuỗi với tổng diện tích 203ha được cấp xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, sản phẩm cá thát lát với diện tích 17ha và lúa - gạo 70ha ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh; rau ăn lá 2ha ở huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ; trà mãng cầu 18ha ở huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp; mít có 20ha ở huyện Châu Thành; nhãn có 9ha ở huyện Châu Thành A; chanh không hạt 20ha ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; nấm rơm 1ha và lươn 1ha ở thị xã Long Mỹ; xoài có 12ha ở huyện Châu Thành A; thủy sản có 32ha và 1ha cam xoàn ở huyện Phụng Hiệp.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Dự kiến trong những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và người dân tổ chức nhân rộng, xây dựng các chuỗi giá trị có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các địa phương còn lại trong tỉnh; qua đây nhằm đa dạng sản phẩm mô hình chuỗi giá trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhờ các mặt thuận lợi trên, đặc biệt là sự tham gia tích cực trong việc tạo ra sản phẩm OCOP từ các chủ thể trên địa bàn tỉnh nên đến thời điểm này, toàn tỉnh có 348 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tăng 82 sản phẩm so với cuối năm 2023; trong đó có 113 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và 235 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, tổng số chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh là 160, trong đó có 90 chủ thể là cơ sở, 45 chủ thể là hợp tác xã và 25 chủ thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng: Ngoài sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình thực hiện, phát triển sản phẩm OCOP thì các chủ thể cần chú trọng hơn trong thực hiện liên kết sản xuất, thường xuyên đầu tư cải tiến bao bì, công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và năng suất để phục vụ cho thị trường rộng lớn hơn, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng phát triển cho chủ thể và vùng nguyên liệu, đồng thời tăng tính quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài. Mặt khác, các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao cấp huyện và 4 sao cấp tỉnh, đồng thời chăm bồi các sản phẩm tiềm năng để được xét công nhận đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới.
Theo Báo Hậu Giang