Tháo “điểm nghẽn” để nâng cao giá trị lúa gạo

28/05/2025 - 10:23

So với các địa phương khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bạc Liêu được xem là tỉnh có diện tích gieo trồng lúa lớn với hơn 185.290ha và cho tổng sản lượng trên 1,2 triệu tấn. Song, để phát huy thế mạnh này, cần tiếp tục đánh giá thực trạng của ngành sản xuất lúa gạo và định vị lại những giá trị vốn có.

Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn.

ĐỘT PHÁ VỀ GIỐNG LÚA

Kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp lâu nay đã được đúc kết bằng câu “nhất giống, nhì phân…”. Do vậy, một trong những thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu (năm 1997) đến nay chính là đột phá về giống lúa trong điều kiện phải thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đáp ứng nhu cầu về chất lượng của thị trường. Qua đó, đã cho ra đời nhiều giống lúa mới với những đặc tính về phẩm chất, khả năng chống chịu với hạn mặn và ngập úng. Hiện nay, ngoài các giống lúa chủ lực dòng OM, ST24, ST25 và Tài nguyên…, Bạc Liêu còn nghiên cứu chọn tạo nhiều giống lúa mới rất có triển vọng như: BLR501, BLR601, BLR602, BLR701, BLR702, BLR703, BLR704, BLR705, BLR707, BLR708, BLR709… với tiềm năng sẽ cho năng suất cao trong cả 3 vụ liên tục trên cùng một diện tích. Đồng thời, có khả năng chống chịu phèn, mặn, sâu bệnh gây hại và thích nghi với điều kiện BĐKH ngày càng khắc nghiệt. Tiêu biểu như giống lúa BLR702 cho năng suất 7,2 tấn/ha, giống BLR708 đạt 6,5 tấn/ha, giống BL501 đạt 6,3 tấn/ha so với đối chứng là ĐT8 đạt 6,3 tấn/ha… Đặc biệt, BL9 là giống lúa đầu tiên được chọn lọc trong tỉnh theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu cho “hạt gạo Bạc Liêu”.

Thương lái thu mua lúa của nông dân huyện Vĩnh Lợi.

Thực tế trong sản xuất nông nghiệp cho thấy, các giống lúa mới ở khu vực ĐBSCL và tỉnh Bạc Liêu mang lại năng suất khá cao và có phẩm chất gạo ngon, chống chịu được với sâu bệnh và ở mức độ nào đó với hạn mặn như: giống OM5451, OM18, Đài thơm 8, ST24, ST25… Các giống lúa này chiếm 70 - 80% diện tích sản xuất ở ĐBSCL và đóng góp từ 85 - 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nông dân Nguyễn Thanh Bình (huyện Vĩnh Lợi) phấn khởi nói: “Với việc có nhiều giống lúa chất lượng cao như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân lựa chọn các giống cho năng suất, chất lượng và phù hợp với đồng đất của mình. Từ đó mở ra nhiều cơ hội mới trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật mới vào sản xuất”.

Thật vậy, phần lớn nông dân Bạc Liêu hiện nay đã áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên những cánh đồng lớn với biện pháp “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng phân bón và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc sinh học, hữu cơ… Theo đó, nông dân áp dụng các mô hình trên 80% diện tích gieo trồng mỗi năm và mang về lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ.

Song, theo Viện Lúa ĐBSCL, để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đa dạng hóa nguồn gạo xuất khẩu chất lượng cũng như bán được giá cao gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam, công tác chọn tạo giống lúa cũng cần nhiều thay đổi cho phù hợp hơn. Đó là tiếp tục nghiên cứu cải tiến khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn mặn của các giống lúa trong sản xuất. Đồng thời, các giống lúa phổ biến như: OM4900, OM6976, OM5451, OM18… phải tập trung nâng cao chất lượng gạo tốt hơn, do trong quá trình sản xuất đã bắt đầu bị suy thoái làm giảm khả năng chống chịu sâu bệnh nên cần tiếp tục lai tạo bổ sung thêm gen kháng sâu bệnh và gia tăng khả năng chống chịu hạn mặn, nhưng vẫn phải duy trì cho được các đặc tính về phẩm chất gạo.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường và đa dạng về chất lượng gạo. Bởi hiện nay, Việt Nam tuy chiếm ưu thế trong phân khúc gạo trắng hạt dài, nhưng ở phân khúc gạo thơm cấp cao và các phân khúc gạo cao sản chế biến, dinh dưỡng… vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp (DN) và các đơn vị nghiên cứu công lập sẽ giúp đa dạng cơ cấu giống về chất lượng gạo. Điều này sẽ giúp các DN có nhiều cơ hội trong việc khai thác thị trường ngách nội địa và quốc tế có giá trị kinh tế cao. Cùng với đa dạng về chủng loại giống lúa, nâng cao chất lượng thì cũng cần xây dựng vùng lúa nguyên liệu ổn định về sản lượng và giữ cho được phẩm chất gạo - vốn là vấn đề cơ bản trong khẳng định thương hiệu và giá trị lâu dài.

THÁO “ĐIỂM NGHẼN” VỀ ĐẦU RA

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Năm 2024, ngành gạo Việt Nam tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu vượt 8 triệu tấn, cho doanh thu trên 4,5 tỷ USD và tiếp tục đưa Việt Nam giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng và mở ra kỳ vọng một năm mới 2025 tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị thế lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam. Thế nhưng, để người nông dân thật sự làm giàu từ hạt lúa và khẳng định vị thế của mặt hàng lương thực chiến lược này, gắn với phát triển nhanh cũng cần tập trung tháo gỡ các “điểm ngẽn” trong chuỗi giá trị sản xuất và đó chính là đầu ra bền vững cho hạt lúa.

Qua thống kê của ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho thấy, diện tích tiêu thụ lúa rất khiêm tốn và chủ yếu thông qua các mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu khoảng 48%. Theo quản lý một công ty kinh doanh lương thực và liên kết bao tiêu lúa gạo ở Bạc Liêu: “Lúa gạo tuy được xem là nhóm hàng được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi, nhưng trên thực tế DN muốn tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi khoảng 6%/năm là rất khó và gần như không đủ tài sản để thế chấp, trong khi muốn mua lúa của nông dân thì DN phải đặt cọc trước. Do vậy, nhiều DN phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại cổ phần với lãi suất hơn 12%/năm, ngặt nỗi ngành Lương thực đôi khi mua vào phải dự trữ để chờ giá cao mới bán, còn lãi suất ngân hàng thì DN phải đóng hàng ngày. Lẽ đó, kinh doanh lương thực cũng xếp vào nhóm rủi ro cao, còn các công ty khác nói liên kết sản xuất với nông dân trong tiêu thụ lúa gạo chẳng qua là muốn thông qua liên kết để bán lúa giống, vật tư nông nghiệp, còn mục đích đồng hành hay chia khó cùng nông dân ít lắm”.

Giống lúa BL9 hứa hẹn cho năng suất, chất lượng và mang thương hiệu Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Theo tính toán của các DN, trong liên kết bao tiêu lúa, nếu DN đầu tư khoảng 5 triệu đồng/ha, thì với diện tích liên kết 10.000ha lúa, DN cần phải có trên 450 tỷ đồng để ứng trước cho nông dân. Thế nhưng, với phần lớn các DN kinh doanh lương thực chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, muốn có vài chục tỷ đồng làm vốn xoay không phải là chuyện dễ. DN bị hạn chế về tài chính, cộng thêm năng lực của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở các địa phương hiện nay cũng chưa đủ mạnh để đứng ra xây dựng các liên kết bền chặt giữa DN và nông dân… cũng tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ và liên kết sản xuất. Trong khi đó, nhiều HTX tuy có thành lập nhưng lại thiếu sự đầu tư về hạ tầng, nhất là kho bãi tập kết và vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, nhiều DN muốn mua nông sản tại kho của mình nhưng các HTX lại không có khả năng tổ chức khâu vận chuyển, mà chủ yếu thông qua sự vận chuyển hàng hóa của các “cò lúa” từ cánh đồng đến nhà máy, nhất là các khu vực sản xuất lúa gặp khó khăn về giao thông, ghe lớn vận chuyển lúa không vào được do vướng cầu giao thông, hệ thống kênh bị hẹp và cạn…

Để giải quyết những khó khăn này, cùng với bài toán hỗ trợ tín dụng cho các DN thu mua lương thực khi đến mùa vụ, Bạc Liêu cần tích cực tham gia thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA): Qua so sánh hiệu quả 1 triệu héc-ta lúa và canh tác theo phương pháp thông thường của nông dân thì tham gia vào Đề án sẽ đem lại hiệu quả như: Giảm giống 50%, giảm phân bón đạm 30%, giảm thuốc bảo vệ thực vật 30%, giảm đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, đặc biệt là giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ và lợi nhuận tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, năm 2025 sẽ triển khai 28.000ha gieo trồng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên toàn tỉnh và phấn đấu đến năm 2030 là 46.000ha. Từ đó góp phần hiện thực hóa các chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng tới mục tiêu sản xuất lúa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được và không ngừng nâng cao giá trị lúa gạo, tiến đến xây dựng thương hiệu “lúa gạo Bạc Liêu”, ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng mô hình thí điểm và hệ thống đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV) thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đạt hiệu quả cao, làm cơ sở khuyến cáo, lan tỏa trong cộng đồng, tạo được lòng tin của nông dân tham gia vào Đề án. Theo đó, sẽ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, hội thảo, đào tạo, tập huấn nhằm chuyển giao mạnh mẽ thành tựu khoa học - kỹ thuật trong canh tác lúa cho nông dân, hướng đến mục tiêu giảm chi phí, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt là hình thành, thúc đẩy chuỗi sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, thích ứng tốt với môi trường và BĐKH.

Theo Báo Bạc Liêu