Thơ cụ Đồ hòa điệu đờn ca tài tử

11/04/2022 - 15:06

Trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 tại TP. Cần Thơ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức (diễn ra từ ngày 6 đến 11-4-2022), đoàn nghệ thuật ĐCTT Bến Tre do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Sở VHTT&DL thực hiện đã có chuyến tham dự các hoạt động tại đây. Với chủ đề “Xứ Dừa vọng tiếng tiền nhân”, Bến Tre đã mang đến liên hoan nét riêng đặc sắc với những vần thơ cụ Đồ Chiểu hòa điệu cùng những bài bản tài tử, giới thiệu cùng các tỉnh, thành trong cả nước.

Giao lưu đờn ca tài tử Không gian đờn ca tài tử Bến Tre.

Nét riêng xứ Dừa

Tham gia trong chuỗi hoạt động tại TP. Cần Thơ, đoàn nghệ thuật ĐCTT Bến Tre đã tham gia hai hoạt động chính: Thi diễn tại Hội thi nghệ thuật ĐCTT và Không gian ĐCTT với các hoạt động trưng bày, giao lưu nghệ thuật ĐCTT; có gian hàng giới thiệu du lịch Bến Tre và một số đặc sản địa phương tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ.

Tại Hội thi nghệ thuật ĐCTT, đoàn nghệ thuật ĐCTT Bến Tre có chương trình thi diễn mang nét riêng xứ Dừa, đồng thời hướng đến kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Chương trình gồm 5 tiết mục: hòa đờn Liên Nam, đơn ca “Bến Tre miền đất yêu thương” (điệu thức Vạn giá 18 câu, tác giả Vưu Long Vĩ), song ca “Gương sáng Cụ Đồ” (điệu thức Phụng hoàng lai nghi 10 câu, tác giả Minh Lời), đơn ca “Khúc hát sông quê tặng Mẹ” (vọng cổ nhịp 16, tác giả Minh Lời) và ca ra bộ “Tinh thần Đồ Chiểu hôm nay” (điệu thức Tây thi 26 câu, tác giả Dương Tấn Phát). Trong đó, có trích giới thiệu một số câu thơ của Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Tại Không gian ĐCTT, đơn vị Bến Tre đã tổ chức trưng bày Bộ nhạc cụ từ dừa, xếp sách nghệ thuật, giới thiệu một số sản phẩm từ dừa, trưng bày hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển ĐCTT tại Bến Tre, đặc biệt giới thiệu hình ảnh về Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Các tài tử đờn và ca đã tổ chức giao lưu với khán giả mộ điệu trong không khí vui tươi, cởi mở.

Tài tử Minh Tâm - đơn vị ĐCTT Vĩnh Long chia sẻ: “Tôi là tài tử ca, có đến Không gian ĐTTT Bến Tre hát giao lưu. Tôi thấy Không gian ĐCTT trang trí khá đẹp, giới thiệu nhiều hình ảnh, thông tin về ĐCTT Bến Tre, văn hóa, con người Bến Tre. Theo tôi, các tài tử Bến Tre cũng không thua kém so với các tài tử tỉnh bạn, các ngón đờn của các tài tử đờn rất điêu luyện và rất “chắc”. Đoàn Bến Tre cũng rất thân thiện, mến khách, thoải mái cùng giao lưu ĐCTT cùng khách đến tham quan”.

Phó giám đốc Sở VHTT&DL Trần Thị Kiều Tôn chia sẻ: Qua tham gia những hoạt động tại Liên hoan ĐCTT, những tài tử của Bến Tre có dịp giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm hay từ các đơn vị tỉnh bạn. Đây cũng là những hạt nhân góp phần lan tỏa những loại hình nghệ thuật truyền thống này, cũng như trao truyền những kỹ năng, những bài bản để có những thế hệ kế thừa, phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT trong thời gian tới.

Lan tỏa giá trị di sản

Năm 2014, nghệ thuật ĐCTT đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thi nghệ thuật ĐCTT quốc gia được tổ chức định kỳ 3 năm/lần và đã trở thành truyền thống trong hoạt động ĐCTT quốc gia. Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung cho biết, Liên hoan ĐCTT quốc gia diễn ra vào thời điểm cả nước bước vào trạng thái bình thường mới. Tây Đô chào đón 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật ĐCTT khu vực Nam Bộ về tham dự Hội thi nghệ thuật ĐCTT và Không gian ĐCTT. Qua đó lan tỏa giá trị di sản, nhằm tiếp tục thực hành và truyền dạy vốn quý của cha ông, góp phần vào tính đa dạng, phong phú trong mái nhà chung văn hóa khu vực Thái Bình Dương và thế giới.

Giao lưu đờn ca tài tử.

Giao lưu đờn ca tài tử.

Với Bến Tre, phong trào ĐCTT cũng đã phát triển theo thời gian. Trong đó, giai đoạn từ năm 1930 - 1960, tỉnh hình thành nhiều nhóm ĐCTT. Giai đoạn năm 1960 - 1986, phong trào ĐCTT tiếp tục được trao truyền và phát huy. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Đề án số 780 về “Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017 - 2020” và hoạch định những giai đoạn tiếp theo.

Đến nay, toàn tỉnh có 204 đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) ĐCTT với hơn 2,7 ngàn tài tử hoạt động thường xuyên. Trong đó, có 1 CLB ĐCTT cấp tỉnh và 9 CLB cấp huyện, thành phố duy trì tổ chức sinh hoạt. Ngoài hoạt động sinh hoạt ĐCTT giữa các đội, nhóm, CLB, Sở VHTT&DL cũng đã nhiều lần tổ chức Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh vào dịp Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Tham gia vào hoạt động tại Liên hoan ĐCTT quốc gia tại TP. Cần Thơ là những tài tử có nhiều kinh nghiệm của tỉnh như: Nghệ nhân ưu tú Minh Lời, tài tử đờn Trường Hận, Lê Văn Thanh, Minh Cảnh, Trọng Toán, tài tử ca Phương Hiền, Tuyết Lê, Hoàng Lam, ca sĩ Phúc Anh…

Nghệ nhân ưu tú Minh Lời chia sẻ: “Qua các hoạt động tại tỉnh cũng như tham gia Liên hoan ĐCTT quốc gia, tôi thấy Bến Tre đã đào tạo được thế hệ tài tử trẻ (cả đờn và ca) có tay nghề để tiếp tục kế thừa các thế hệ đi trước và “sánh vai” cùng các tỉnh bạn, cống hiến hết mình cho nghệ thuật ĐCTT”.

Nghệ nhân ưu tú Minh Lời cũng là tác giả bài song ca “Gương sáng Cụ Đồ”. Ông bày tỏ: “Tôi đã có nhiều tác phẩm viết về chủ đề Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với lòng tôn kính đối với cụ và tâm huyết đối với nghệ thuật ĐCTT. Lần này, cá nhân tôi và tác giả Dương Tấn Phát vinh dự được góp sức để có các sáng tác về cụ Đồ giới thiệu công chúng gần xa”.

“Năm 2022, đặc biệt là từ nay cho đến ngày 1-7-2022, nhiều hoạt động của tỉnh sẽ tập trung cho chủ đề vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Chương trình của đơn vị Bến Tre mang chủ đề “Xứ Dừa vọng tiếng tiền nhân” thể hiện việc phát huy giá trị truyền thống của bậc tiền nhân để đưa những giá trị văn hóa, tinh thần, những lời giáo dục đạo đức, nhân nghĩa trong từng lời ca, tiếng hát. Đồng thời góp phần giới thiệu những giá trị văn hóa của tỉnh với các tỉnh, thành cả nước” - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn

Theo Báo Đồng Khởi