
Ông Trần Thiện Thanh có thu nhập cao nhờ mô hình trồng sầu riêng.
Trước đây, 2,5ha vườn của gia đình ông Thanh từng trồng xoài. Thời gian sau này, nhận thấy giá xoài bấp bênh, thường rớt giá nên ông chuyển đổi trồng sầu riêng, với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bền vững. Năm 2019, ông Thanh đã mạnh dạn phá bỏ 1,5ha vườn xoài để trồng sầu riêng. Ông Thanh chia sẻ: “Trước khi cải tạo lại vườn trồng sầu riêng, tôi tham quan các mô hình trồng sầu riêng của những người đi trước và dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc sầu riêng. Từ những kiến thức đã học kết hợp với kinh nghiệm bản thân, tôi ứng dụng chăm sóc vườn sầu riêng của mình”.
Qua 1 năm chăm bón, nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên ông Thanh quyết định đốn bỏ diện tích vườn còn lại để trồng sầu riêng chuyên canh. Các giống sầu riêng được ông Thanh chọn trồng chủ yếu là Ri6, Monthong. Đây cũng là những giống có năng suất cao, phẩm chất ngon, được thị trường ưu chuộng. Đến nay, vườn sầu riêng của ông Thanh đang phát triển xanh tốt và cho thu nhập. Ông Thanh nói: “Năm 2024, với 1,5ha sầu riêng, gia đình tôi thu hoạch được 22 tấn trái, bán gần 1,3 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời hơn 1 tỉ đồng”.
Qua gần 6 năm trồng sầu riêng, ông Thanh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc xử lý cho cây sầu riêng ra hoa sớm vụ. Theo ông Thanh, đặc tính của cây sầu riêng là từ khi xiết nước xử lý ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng. Để cây sầu riêng ra hoa sớm vụ, tầm tháng 9-10 âm lịch người trồng xiết nước kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa, phải bón phân, phun thuốc theo định kỳ để trái sầu riêng phát triển. Sau khi thu hoạch trái xong, tiến hành tỉa cành, tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp. Ngoài ra, người trồng phải tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa một số sâu, bệnh thường gặp trên cây sầu riêng như xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ, rầy xanh...
Bên cạnh đó, ông Thanh còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 2,5ha sầu riêng. Ông Thanh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi tốn chi phí rất lớn để thuê nhân công tưới nước. Tuy nhiên, việc thuê nhân công có lúc cũng gặp khó khăn. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, gia đình tôi đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, tiết kiệm chi phí nhưng cây phát triển rất tốt”. Với việc đầu tư và ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, vườn sầu riêng của ông Thanh luôn đạt năng suất và chất lượng cao. Dự kiến, cuối tháng 5-2025, vườn sầu riêng của ông Thanh sẽ thu hoạch hơn 20 tấn trái.
Nhận thấy mô hình trồng sầu riêng chuyên canh của ông Thanh làm ăn hiệu quả, nhiều nông dân trên địa bàn phường cũng phá bỏ những vườn cây ăn trái kém hiệu quả để trồng sầu riêng chuyên canh. Từ đó, mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn phường Trường Lạc ngày càng nhân rộng. Được sự trợ giúp của ngành chức năng, năm 2020, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trường Phát được thành lập và ông Thanh được bầu làm Phó Giám đốc HTX. Hiện tại, HTX Trường Phát có diện tích trên 23ha và 22 thành viên tham gia trồng chủ yếu các giống sầu riêng Ri6, Monthong. Ông Thanh cho biết: “Hiện tại, HTX có khoảng 20ha đã được ngành chức năng thành phố hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu. Uớc tính mỗi vụ sầu riêng, HTX thu hoạch khoảng 600 tấn trái. Tùy vào diện tích trồng, mỗi xã viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng/năm”.
Theo Báo Cần Thơ