Phát triển du lịch song hành với việc bảo vệ, phát triển bền vững những mảng “phổi xanh” của Cà Mau là bài toán không hề đơn giản, cần làm cẩn trọng, đúng quy định, nhưng cũng không thể chần chừ mãi. Bởi du lịch hoàn toàn có thể mang lại nguồn lực lớn để bảo tồn, phát huy giá trị của các hệ sinh thái ngập mặn, ngập ngọt của địa phương, mang lại sinh kế và nguồn lợi cho cư dân.
Mở hướng cho du lịch
Ông Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chia sẻ: “Năm 2018, Ðề án phát triển du lịch của Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, khi Luật Lâm nghiệp ra đời, đề án này phải điều chỉnh cho phù hợp, chúng tôi đã hoàn thiện thẩm định ở cấp cơ sở và trình UBND tỉnh chờ phê duyệt”. Như vậy, đến nay cả 2 vườn quốc gia ở Cà Mau đều chưa được phê duyệt đề án phát triển du lịch.
Diện tích rừng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện có hơn 8.500 ha, vùng đệm khoảng 25.000 ha. Riêng diện tích quy hoạch cho phát triển du lịch là hơn 1.300 ha. Ông Truyền cho biết: “Theo luật, diện tích làm du lịch là diện tích đất trống, rừng không có khả năng phục hồi. Trong khi xây dựng Ðề án phát triển du lịch, chúng tôi đã tính toán rất cụ thể, có các luận chứng kinh tế - kỹ thuật thuyết phục, khoa học. Khẳng định rằng việc phát triển du lịch là đúng quy định và không xâm hại môi trường rừng, hơn nữa còn phát huy giá trị từ hệ sinh thái rừng và mục tiêu phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để quay lại bảo vệ, phát triển rừng”.
Thuận lợi của Vườn Quốc gia U Minh Hạ trong phát triển du lịch được định hình từ cái nhìn xa, chủ động của đơn vị. Hướng đi lâu dài của U Minh Hạ với lĩnh vực du lịch là hài hoà với thiên nhiên, đậm đà bản sắc văn hoá xứ tràm. Nơi đây sẽ hình thành các khu làng rừng tái hiện vùng căn cứ địa cách mạng, khu vực “U Minh Hạ thu nhỏ” với hệ sinh thái động, thực vật đặc trưng. Kèm theo đó là phát triển hàng loạt sản phẩm du lịch độc đáo, chủ lực của rừng tràm. Theo ông Truyền, du lịch U Minh Hạ sẽ nói không với “bê-tông hoá”, mà thay vào đó là du lịch sinh thái, trở về hoà quyện với tự nhiên. Theo đó, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang tích cực xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng để tạo “cú hích” toàn diện cho du lịch. Hiện nay, đã có 2 nhà đầu tư đầy tiềm năng đang rất quan tâm đến Ðề án phát triển du lịch của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hứa hẹn những đột phá của du lịch trong tương lai gần.
Theo tính toán, Ðề án phát triển du lịch của Vườn Quốc gia U Minh Hạ cần tổng ki nh phí khoảng 1.400 tỷ đồng. Do đó, ngoài nội lực tự thân, đơn vị coi việc lựa chọn một nhà đầu tư có tầm, có tâm là chìa khoá lâu dài cho du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch chỉ là một vế, vấn đề bảo tồn, phát triển rừng tràm mới là ưu tiên cao nhất cho mọi tính toán. Bởi vậy, đơn vị cần sự cam kết chân thành, tin cậy của nhà đầu tư, tuân thủ chặt chẽ theo đề án đã được phê duyệt, kèm theo đó là sự gắn bó, đồng hành lâu dài.
Du khách trải nghiệm xuyên rừng tràm bằng vỏ lãi ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Chưa nhiều bứt phá
Du lịch tuyến U Minh Hạ trầm lắng hơn hẳn khi so sánh với tuyến du lịch rừng ngập mặn. Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Vietravel Cà Mau, thông tin: “Dù có tour tuyến U Minh Hạ, nhưng đa phần khách về Cà Mau chọn đi phía Ðất Mũi nhiều hơn, bởi tuyến này có nhiều trải nghiệm, sản phẩm du lịch, điểm đến phong phú”.
Hiện Vườn Quốc gia U Minh Hạ chỉ có các trải nghiệm như đi vỏ, bơi xuồng, đi bộ xuyên rừng. Nói như ông Truyền: “Hiện nay, sản phẩm du lịch của chúng tôi còn khá ít. Ẩm thực cũng chưa phong phú, khả năng tiếp nhận khách có giới hạn. Bên cạnh đó là chưa có chỗ lưu trú cho khách, hướng dẫn viên du lịch cũng chưa có”. Những lúc cao điểm, toàn bộ anh em của Phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường phải thay phiên nhau phục vụ khách tới tham quan.
Từ Bình Dương về thăm U Minh Hạ, ông Ðỗ Văn Em chia sẻ: “Vô rừng tràm là thấy khoái rồi. Có điều muốn phát triển, ở đây phải có nhà đầu tư lớn, đủ nguồn lực để hạ tầng du lịch, diện mạo du lịch khởi sắc lên. Tài nguyên rừng là quý giá, nhưng tại sao chỉ cứ nghĩ đến chuyện giữ mà không khai thác giá trị từ rừng. Tất nhiên là phải làm đúng quy định, làm phải có tính toán hài hoà, bền vững”. Trải nghiệm bơi xuồng dưới tán rừng tràm mùa ngập nước, ông Em tiếc một điều là đoạn đường ngắn quá, chưa ngắm rừng, hít thở bầu không khí trong lành cho thoả dạ.
Còn với du khách Nguyễn Văn Hoàng, đây là lần trở lại thứ 2 với rừng U Minh Hạ. Ông Hoàng tâm sự: “Nhiều nơi có rừng tràm, làm du lịch rất hay, rừng cũng được bảo vệ tốt, điều này thì U Minh Hạ nếu quyết tâm cũng làm được thôi. Lần trước về còn chưa có gì, bây giờ thấy khá lên rồi, nhưng để cạnh tranh, thu hút khách thì cần phải đầu tư nhiều thêm nữa”.
Thực tế, Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện nay chỉ là lựa chọn dừng chân, tham quan ngắn của các đoàn khách. Việc thiếu các sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch khiến cho giá trị từ du lịch của đơn vị không như kỳ vọng. Các cao điểm du lịch 30/4 và 2/9 vừa qua, có ngày Vườn Quốc gia U Minh Hạ đón tiếp trên 1.000 lượt khách. Tuy nhiên, giá trị thu về khá khiêm tốn, chỉ gói gọn ở tiền vé cổng, phục vụ ăn uống, một số trải nghiệm du lịch.
Thúc đẩy phát triển du lịch U Minh Hạ đang là bài toán vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn rất nhiều công việc phải làm, phải giải quyết. Và mọi thứ, nói như ông Truyền là phải “bắt tay làm ngay, không chần chừ được nữa”. Ðể tràm xanh nước đỏ mãi là niềm tự hào của quê hương, và du lịch, không phải là một mệnh đề loại trừ, mà chính là người bạn đồng hành với rừng, làm thơm thảo, giàu đẹp cho quê hương./.
Theo PHẠM QUỐC RIN (Báo Cà Mau)