Các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương giữa 2 địa phương tổ chức tại TP Cần Thơ năm 2023.
Vượt khó
Khu vực phía Nam kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Ðông Nam Á và thế giới.
Ðược sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, với sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phối kết hợp đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cùng với sự linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp trong cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường;... nên tình hình hoạt động Công Thương trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục được duy trì và phát triển.
Trong 9 tháng năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%). Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực 9 tháng đạt hơn 2.442 ngàn tỉ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023; có 12/20 địa phương có mức tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của khu vực. Trong 9 tháng kim ngạch xuất khẩu thực hiện 96,41 tỉ USD, tăng 10,66% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực đã được chú trọng như chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước; kết nối giao thương hàng hóa được thực hiện thông qua việc tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, hội nghị xúc tiến đầu tư... tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương. Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai xây dựng và thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong năm và dịp Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng thiết yếu; trao đổi kinh nghiệm tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn và công tác xã hội hóa phát triển chợ. Thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng website, tổ chức triển khai và tổ chức đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp…
TP Cần Thơ tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm vùng, cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển tích cực, đúng định hướng. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao, tỷ trọng công nghiệp tiếp tục tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm. Thành phố tiếp tục triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nhanh các lĩnh vực như giao thông, đô thị, giáo dục, y tế, thương mại,… góp phần giữ vững vị thế trung tâm vùng. Ước 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng 6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 86,87 tỉ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ, đạt 68,48% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1.577,9 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ, đạt 72,2% so với kế hoạch năm 2024…
Nỗ lực về đích
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, năm 2023 và 9 tháng năm 2024, các địa phương trong khu vực đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao; chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn ở mức khiêm tốn. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, tỷ giá đồng USD cao, chi phí logistics tăng... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Sự phục hồi chậm của các nền kinh tế, cùng với suy giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, tình hình cung ứng và giá cả xăng, dầu từng lúc, từng nơi chưa thực sự ổn định,... ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng. Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn khó khăn…
Ðánh giá thực trạng ngành Công Thương địa phương, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, mặc dù ghi nhận được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ðó là sự phục hồi chậm của các ngành kinh tế, suy giảm nhu cầu tiêu dùng; áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng và xu hướng sụt giảm đơn hàng, cắt giảm lao động của doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm ngành Công Thương hiệu quả chưa cao; xúc tiến đầu tư lĩnh vực công thương còn chậm. Doanh nghiệp phần lớn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Công tác hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, năng lực cung cấp sản phẩm doanh nghiệp chưa cao, chưa ổn định; thiếu thương hiệu. Việc mời gọi đầu tư tại các chợ truyền thống, nhất là tại các chợ tuyến huyện còn khó…
Ðể hoàn thành nhiệm vụ đề ra năm 2024, ngành Công Thương thành phố phối hợp với các sở, ban ngành tập trung nguồn lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo đà hồi phục cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành Công Thương; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa từ nay đến cuối năm 2024 và tổ chức các chương trình hội chợ, kích cầu tiêu dùng tại các siêu thị trên địa bàn thành phố. Chủ động tham mưu UBND thành phố làm việc với Ðại sứ quán các nước để mở ra cơ hội làm cầu nối, hỗ trợ trong kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản và thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ.
Ðể đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, ngành Công Thương các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại; phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Các địa phương trong vùng cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai thực thi các quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, nhất là tiềm năng khai thác logistics ở địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo KHÁNH NAM (Báo Cần Thơ)