Tiền Giang: Để học sinh yếu kém không bị bỏ lại phía sau

08/12/2022 - 10:09

Nhằm đảm bảo, cân bằng chất lượng giáo dục, bên cạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh khá, giỏi, các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tăng cường phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu, giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, hoàn thành tốt chương trình học.

A A

CÙNG VÀO CUỘC

Nếu như công tác bồi dưỡng học sinh giỏi rất khó tìm nguồn thì với học sinh yếu kém rất dễ phát hiện. Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều giáo viên, có rất nhiều cách để nhận biết học sinh có học lực yếu kém như thông qua hồ sơ của học sinh đầu năm, nắm bắt tình hình lớp học, hay trao đổi với phụ huynh và điều dễ thấy nhất là qua điểm số, phản ánh năng lực học tập của học sinh. Chính vì vậy, trong mỗi năm học, các trường đều tiến hành phân loại và tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém để bù đắp lỗ hổng kiến thức cho các em với quan điểm không chạy theo thành tích.

Quan tâm, phụ đạo học sinh yếu kém góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở trường học. Ảnh chụp giờ học của học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho.

Tại Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, công tác phụ đạo học sinh có học lực yếu kém được nhà trường đặc biệt quan tâm ở tất cả các khối lớp, nhất là học sinh khối 12. Theo đó, qua công tác nắm thông tin từ đầu năm học, trong hơn 1.200 học sinh của trường, có khoảng 30% học sinh có học lực trung bình, yếu và kém. Ngay từ đầu năm học, các tổ bộ môn của trường đã lên kế hoạch tăng cường phụ đạo, giúp học sinh yếu kém nhanh chóng lấy lại kiến thức căn bản để theo kịp chương trình.

Còn tại Trường THCS Thái Văn Nam, huyện Gò Công Đông, cô Võ Huỳnh Thơ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dựa vào kết quả của năm học trước cộng với kết quả thi giữa học kì I vừa qua, nhà trường sẽ phân công, chỉ đạo các tổ bộ môn lên kế hoạch phụ đạo cho học sinh. Đa phần các em thường phải phụ đạo ở môn Tiếng Anh và Toán. Công tác tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém ở trường được giáo viên và phụ huynh học sinh rất đồng tình ủng hộ. Trong những năm học qua, nhờ tăng cường phụ đạo, chất lượng học sinh của trường được nâng lên rõ rệt, với tỷ lệ học sinh yếu kém giảm dần.

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2021 - 2022, ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt gần 60%, tỷ lệ học sinh yếu kém là 1,84%, giảm hơn 0,73% so với năm học trước; bậc THPT, tỷ lệ học sinh khá, giỏi trên 50% và tỷ lệ học sinh yếu kém là 0,86%, giảm 2,86% so với năm học trước. Đóng góp vào kết quả khả quan này chính là công tác phụ đạo học sinh yếu kém hiệu quả ở các trường học.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, trong năm học vừa qua, toàn huyện có 397 học sinh bậc THCS có học lực yếu kém, chiếm tỷ lệ 3%; với bậc học tiểu học có 478/19.043 học sinh xếp loại chưa hoàn thành nhiệm vụ, tỷ lệ 2,5%. Phân tích về nguyên nhân khiến học sinh có học lực yếu kém, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết: “Bên cạnh những học sinh có học lực khá, giỏi, các em có năng lực học tốt thì ở từng trường học đều có học sinh yếu kém.

Đối với những học sinh này, mỗi em đều có một hoàn cảnh khác nhau, không hẳn các em yếu toàn diện, mà đôi khi các em bị hạn chế ở một số môn học. Thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh yếu kém, bên cạnh việc mất kiến thức căn bản thì có thể do hoàn cảnh tác động từ gia đình khiến việc học sa sút, hoặc do học sinh chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập, lười học, không chăm chỉ chuyên cần. Do đó, những người làm công tác giáo dục cần phải cùng nhau vực dậy các học sinh yếu kém, làm sao để các em ý thức được tầm quan trọng của việc học”.

GIẢI PHÁP VỰC DẬY HỌC SINH YẾU KÉM

Có thể thấy, với học sinh có học lực yếu kém, hơn bao giờ hết rất cần sự giúp đỡ của giáo viên. Việc dạy học sinh có học lực khá, giỏi vốn dĩ đã khó thì việc phụ đạo học sinh yếu kém lại càng khó hơn nhiều lần. Chính vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp khoa học và quan trọng là sự kiên trì, nhẫn nại mới có thể giúp học sinh chuyển biến, tiến bộ trong học tập.

Thầy Phan Tấn Ngọc, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Kim cho rằng, vực dậy học sinh yếu kém quan trọng nhất vẫn là ở người giáo viên. Dù việc dạy học cho học sinh yếu kém đạt hiệu quả, không để các em bị bỏ lại phía sau là không khó nhưng đòi hỏi tính “mưa dầm thấm lâu”. Trước hết, căn cứ vào tình hình, đặc điểm, giáo viên cần xem xét, phân loại những học sinh yếu kém đúng với những đặc điểm vốn có của các em để lựa chọn biện pháp giúp đỡ phù hợp. Chẳng hạn như các em yếu kém do sức khỏe kém, khả năng tiếp thu bài, lười học, thiếu tự tin, nhút nhát… mỗi nhóm sẽ có phương pháp, cách thức phụ đạo cụ thể.

“Với học sinh yếu kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao mà chúng ta cần các em đạt ở mức trung bình là đã thành công. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần dành cho đối tượng học sinh này những câu hỏi dễ, bài tập đơn giản để tạo điều kiện cho các em được tham gia trình bày trước lớp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên khuyến khích một số học sinh khá, giỏi hỗ trợ, giúp đỡ các bạn học yếu, qua đó vừa để củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ”, thầy Ngọc chia sẻ.

Còn theo thầy Nguyễn Văn Ký, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Hoài, huyện Chợ Gạo, bên cạnh việc bù đắp về kiến thức, giáo viên chủ nhiệm từng lớp cần nắm và tìm hiểu từng đối tượng học sinh về hoàn cảnh gia đình, nền nếp sinh hoạt, khuyên nhủ học sinh về thái độ học tập, nếu có phát hiện những bất thường ở học sinh thì phải xử trí kịp thời. Đồng thời, giáo viên phối hợp với gia đình học sinh yếu kém giáo dục ý thức học tập cho các em; đồng thời, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có hướng điều chỉnh phù hợp, tránh trường hợp các em phải bỏ học giữa chừng.

Vực dậy học sinh yếu kém để các em nắm kiến thức căn bản, theo kịp việc học là việc làm cần được thực hiện tốt trong các trường học hiện nay, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, không để bất kỳ học sinh nào “phải bị bỏ lại phía sau” trong sự nghiệp giáo dục.

Theo Báo Ấp Bắc