Tiếp thêm động lực cho Nhà hát Tây Đô

06/01/2021 - 15:20

Ngày 5-1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ có buổi thăm và làm việc với cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tây Đô (NHTĐ). Đoàn công tác do đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Đảng bộ thành phố, làm Trưởng đoàn. Cùng dự có đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Khó từ cơ sở vật chất đến đời sống nghệ sĩ

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, phát biểu tại buổi làm việc.

NHTĐ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, được thành lập vào năm 2007, với chức năng “bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, dân gian, truyền thống vùng sông nước ĐBSCL”. NHTĐ có Đoàn Cải lương Tây Đô với truyền thống lâu đời. Cơ sở vật chất của NHTĐ gồm trụ sở rạp biểu diễn tại số 105, đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều và khu hậu cứ tại ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Những năm qua, NHTĐ đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng chương trình, vở diễn, tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân và du khách; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng theo phương thức truyền nghề để bổ sung những tài năng nghệ thuật kế thừa. Đặc biệt, NHTĐ đã đoạt nhiều thành tích cao tại các hội thi, hội diễn cấp Trung ương và khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc NHTĐ, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đội ngũ diễn viên ở Đoàn Cải lương Tây Đô ít, khi dàn dựng chương trình quy mô, vở diễn phải mời thêm nghệ sĩ bên ngoài, chưa qua trường lớp đào tạo nên năng lực hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật chung. Lực lượng nhân viên kỹ thuật hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn chính quy, lại ít người vì khó tuyển nhân sự do quy định phải có trình độ trung cấp trở lên. Về cơ sở vật chất, NHTĐ tại số 105, đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, không có bãi đậu xe, trang thiết bị còn lạc hậu nên không thể tổ chức các chương trình quy mô... Trang thiết bị âm thanh ánh sáng của NHTĐ được đầu tư bổ sung nhưng chưa đồng bộ, còn lạc hậu. Ông Hồng Quốc Khánh đề nghị lãnh đạo thành phố có chủ trương xây dựng mới trụ sở rạp biểu diễn NHTĐ tại số 105, đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều. Việc đầu tư thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại cũng rất cấp thiết để nâng cao chất lượng biểu diễn.

Đặc biệt, đời sống của nghệ sĩ, diễn viên NHTĐ còn gặp nhiều khó khăn; mức lương, nhuận bút, định mức bồi dưỡng diễn viên khá thấp. Cụ thể, mức chi được quy định tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 5-12-2014 của HĐND TP Cần Thơ về mức chi nhuận bút, bồi dưỡng trong các hoạt động văn hóa, thông tin và nghệ thuật, nghệ sĩ chỉ được chi 100.000-120.000 đồng/buổi.

“Gỡ khó”

Đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, tặng quà lưu niệm cho NHTĐ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Trung cho rằng, hiện nay các loại hình giải trí phát triển đa dạng, phong phú, tính cạnh tranh cao nên đòi hỏi NHTĐ phải tự làm mới trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Hiện nay, việc tuyển dụng diễn viên còn theo kiểu “hớt bọt”, chủ yếu chọn từ các cuộc thi, giải thưởng chuyên môn. Vì vậy, cần có chính sách tạo nguồn bài bản, liên tục từ các trường nghệ thuật.

Đồng chí Trần Quốc Trung yêu cầu lãnh đạo NHTĐ linh động đổi mới hơn trong phương thức hoạt động và tổ chức biểu diễn. Làm sao để chương trình nghệ thuật của NHTĐ đủ sức thu hút khán giả và có thể tạo được nguồn thu. Chẳng hạn, đưa cải lương lan tỏa đến các huyện ngoại thành; thay vì diễn cả vở dài thì thay bằng chặp cải lương, xen kẽ ca nhạc, ảo thuật... Về cơ sở làm việc của NHTĐ, đồng chí Trần Quốc Trung đề nghị NHTĐ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm đề xuất UBND TP Cần Thơ sửa chữa trụ sở rạp biểu diễn tại số 105, đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều để làm nơi làm việc, tập dượt và biểu diễn.

Chia sẻ những khó khăn của cán bộ, diễn viên, nghệ sĩ NHTĐ, đồng chí Lê Quang Mạnh phân tích: NHTĐ được thành lập với chức năng bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, dân gian - một chức năng rất lớn, là nhiệm vụ của toàn xã hội. NHTĐ là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, gắn với nhiệm vụ bảo tồn truyền thống nên lại càng khó khăn trong việc biểu diễn có doanh thu, có tính thương mại. Vậy nên, phải xác định việc tổ chức cuộc thi, đào tạo, truyền nghề... trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống cần được Nhà nước đầu tư.

Đồng chí Lê Quang Mạnh yêu cầu NHTĐ cần nâng cao chất lượng biểu diễn theo hướng phù hợp với thị hiếu công chúng, kết hợp với các quận, huyện để tổ chức biểu diễn, duy trì hoạt động. Chương trình biểu diễn phải ngắn đi, hấp dẫn hơn mới thu hút khán giả, tạo được nguồn thu. Về cơ sở vật chất, Bí thư Thành ủy yêu cầu tận dụng cơ ngơi tại số 105, đường Trần Hưng Đạo để hoạt động. NHTĐ cũng cần nghiên cứu hoạt động tạo nguồn thu với các phương án gợi ý như liên doanh, liên kết, biểu diễn có thu... Đồng chí đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có tờ trình xây dựng nghị quyết mới về mức chi nhuận bút, bồi dưỡng trong các hoạt động văn hóa, thông tin và nghệ thuật, để UBND thành phố kịp trình HĐND thành phố xem xét thông qua ngay trong kỳ họp gần nhất.

*   *   *

Chuyến thăm và làm việc đã thể hiện sự quan tâm của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ với NHTĐ nói riêng, lĩnh vực văn hóa nói chung. Điều đó  tiếp thêm động lực để nghệ sĩ, diễn viên NHTĐ theo đuổi đam mê nghề nghiệp.

Theo  DUY KHÔI (báo Cần Thơ)