TP. Bạc Liêu: Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị nhãn cổ

10/04/2025 - 09:48

Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và phát huy giá trị của cây nhãn cổ Bạc Liêu, năm 2025, TP. Bạc Liêu đầu tư trên 1 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch” và đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá mới.

MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH

Với sự phát triển nhanh, du lịch Bạc Liêu đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Theo định hướng phát triển du lịch đến năm 2030, cùng với phát triển du lịch văn hóa, Bạc Liêu còn đầu tư phát triển du lịch làng nghề và du lịch sinh thái, nhằm góp phần khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Đồng thời, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Hiện TP. Bạc Liêu đang phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, đặc biệt là những điểm du lịch có giá trị lịch sử, văn hóa. Nhiều điểm du lịch nông thôn đã đưa vào phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch, trong đó có vườn nhãn cổ trên địa bàn thành phố. Do vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu” cho giai đoạn 2 (từ năm 2024 - 2028) là rất cần thiết. Thứ nhất, thông qua tái cấu trúc, đổi mới quản trị và hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái phù hợp với quy định của pháp luật và theo xu thế toàn cầu hóa. Nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của việc bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch góp phần phát triển KT-XH tại địa phương. Đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của nhãn cổ gắn với phát huy tinh thần đoàn kết 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ven biển. Thứ hai, việc tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch tập trung, có trọng tâm, trọng điểm để thuận lợi cho việc thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị, nhằm nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn di sản của địa phương và phát triển cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nội địa và xuất khẩu gắn với du lịch tại chỗ. Và cuối cùng là hỗ trợ, nâng cao kiến thức giao tiếp du lịch, marketing quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương, vùng miền; xây dựng thương hiệu đạt mẫu mã và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, biến sản phẩm nhãn cổ, mô hình văn hóa đờn ca tài tử dưới gốc cây nhãn cổ trở thành những sản phẩm đặc trưng của thành phố và sản phẩm đạt chuẩn tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)…

Du khách tham quan và thích thú trải nghiệm tại Khu du lịch vườn nhãn cổ Bạc Liêu. Ảnh: T.A

Theo kết quả điều tra ban đầu, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành là 2 xã có diện tích, điều kiện tự nhiên, KT-XH thuận lợi cho việc phát triển cây nhãn cổ. Với vị trí địa lý thuận lợi, phát triển KT-XH ổn định, đặc biệt là thổ nhưỡng của 2 xã có đất phèn, đất mặn, đất bãi bồi và đất giồng cát rất phù hợp cho việc phát triển cây nhãn, nhất là nhãn cổ. Do đó, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành đã và đang tích cực thực hiện Đề án “Bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu”.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN VÀ TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Để bảo tồn nhãn cổ, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch, TP. Bạc Liêu đã tích cực cải tạo, bảo tồn giống nhãn cổ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ nhãn cổ và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời phát huy những sản phẩm đặc thù gắn liền với phát triển du lịch sinh thái, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững tại địa phương…

Năm qua, TP. Bạc Liêu đã xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu” (giai đoạn 2: từ năm 2024 - 2028). Cùng với đó là thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Đề án bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

Theo nội dung Đề án, trong năm 2025, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Đề án. Đầu tư, xây dựng 5 mô hình bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch. Tập huấn, cập nhật kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn, kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch. Mặt khác, sẽ tổ chức chỉnh trang, kiến tạo cảnh quan vườn nhãn cổ. Chăm sóc, bảo dưỡng các cây nhãn cổ hiện có tại các nhà vườn, thực hiện mô hình bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch. Đặc biệt, hỗ trợ đầu tư bảo tồn, chăm sóc, bảo dưỡng cây nhãn cổ cho 12 hộ và 1 tổ chức tham gia bảo tồn nhãn cổ. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 2 sản phẩm đặc trưng từ nhãn cổ. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch địa phương, gắn kết các tua, tuyến du lịch khác trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, tăng cường quảng bá 2 sản phẩm từ nhãn cổ đã được cấp thẩm quyền công nhận. Đề xuất một số đề tài nghiên cứu mô hình, kỹ thuật, phát triển sản phẩm, khai thác từ cây nhãn cổ, đánh giá hiệu quả mô hình du lịch… với nguồn kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng.

Tin rằng, với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Thành ủy - UBND thành phố sẽ tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn nhãn cổ kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố” và hứa hẹn tạo nên những “cú hích” cho phát triển ngành “công nghiệp không khói” này.

TP. Bạc Liêu hiện đang phối hợp với các sở, ngành tỉnh và Trường đại học Cần Thơ thực hiện Đề án “Nghiên cứu đặc tính dòng, khả năng thích nghi và nâng cao giá trị trái thanh nhãn Bạc Liêu” làm cơ sở để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho cây thanh nhãn Bạc Liêu. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch gắn với tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Tập trung khai thác và phát huy có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc thù tại các địa phương trọng điểm du lịch, nhất là các sản phẩm đã được thị trường chấp nhận và được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Qua đó, từng bước kết nối tua, tuyến thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách đến với TP. Bạc Liêu. Tiếp tục trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, các loại nhà cổ, các di tích đã được xếp hạng gắn với việc tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách. Phát huy giá trị các lễ hội truyền thống như lễ hội Dạ cổ hoài lang, lễ hội Quán âm Nam Hải... kết hợp với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, du lịch để phát triển du lịch địa phương…

Theo Báo Bạc Liêu