Nông dân tham gia tổ hợp tác và phát triển diện tích lúa cao sản. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Trung tuần tháng 7, tôi ghé thăm lão nông Nguyễn Văn Mánh, ấp Phú Hữu, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng), vuốt chòm râu bạc cười sảng khoái, rồi chỉ lên bầy chim cu đang khoe giọng cho hay: “Chú mày thấy không, đất lành thì chim đậu, xóm này bây giờ ngon lành rồi, ai cũng có của ăn của để, hết rồi cảnh thiếu trước hụt sau. Người dân chăm chỉ lao động sản xuất, lại được Nhà nước hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đa số đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Tôi năm nay đã tròm trèm 90 tuổi, thì cũng ngần ấy năm bám rễ tại Đìa Thùng này nên chứng kiến biết bao nhiêu chuyện hay, chuyện dở nhưng chưa bao giờ phấn khởi như hiện nay. Xóm nhỏ bây giờ toàn nhà mái tol, mái ngói, chứ không còn cảnh nhà lá như xưa. Trước kia đây còn là nơi dừng chân của du kích quân xã Phú Hữu, nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ”.
Đưa tay vuốt chòm râu lần nữa, chỉ tay về phía con rạch Đìa Thùng, lão nông Nguyễn Văn Mánh tiếp lời: “Đất đai xứ sở này có từ lâu lắm rồi, hồi xưa khúc đìa ở đây nhiều cá tôm nên mọi người thường tát đìa bắt cá bằng thùng rồi đặt luôn tên ở đây là Đìa Thùng”. Tuy nhiên theo nhiều câu chuyện còn truyền lại thì lại có cách lý giải khác về xứ này. Theo đó, Đìa Thùng không ai nhớ rõ là có từ khi nào, chỉ nghe các bậc tiền nhân khai phá vùng đất này kể lại rằng ở đây lúc trước có vũng trâu nằm lâu ngày hình thành một cái đìa có hình cái thùng nên gọi là Đìa Thùng, đìa này sau đó trở thành con rạch thông ra sông Ngã Cũ; con rạch này là đường trâu đi mà thành, từ đó người dân vô khai phá, làm lúa một vụ. Lâu dần, cư dân vô ở đông đúc nên đặt tên xóm là Đìa Thùng cho dễ kêu, dễ nhớ.
Hiện tại, Đìa Thùng thuộc ấp Phú Hữu, xã Phú Hữu, diện tích hơn 40ha, với 18 hộ dân, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tại đây có 1 tổ hợp tác chuyên sản xuất lúa cao sản. Ấp Phú Hữu nói chung, khu Đìa Thùng nói riêng được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia nên đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên đáng kể. Đồng chí Nguyễn Văn Nam - Bí thư Chi bộ ấp Phú Hữu cho hay: “Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, khu Đìa Thùng được đầu tư xây dựng lộ giao thông nông thôn, người dân tích cực hưởng ứng, hiến đất làm lộ, đoạn đường bê tông quanh xóm hơn 1km; tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Người dân ở đây luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau, phấn đấu hết mình trong lao động sản xuất; chấp hành tốt các chủ trường, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia tốt các phong trào do địa phương phát động”.
Dù là cách lý giải nào thì trong tiềm thức mọi người dân, Đìa Thùng vẫn là vùng đất hiền hòa, ngày càng phát triển theo dòng chảy thời gian. Ngày trước, nơi đây như ốc đảo chơi vơi giữa “đồng không mông quạnh” do giao thông trắc trở, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngày nay, với nhiều chương trình hỗ trợ cộng với sự nỗ lực, phấn đấu của người dân nên đời sống ngày càng nâng cao. Đến nay, số hộ nghèo của xóm chỉ còn vài hộ; 100% hộ có điện thắp sáng, nước sạch sử dụng, hầu hết các gia đình đều sắm sửa được các tiện nghi cơ bản; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng đạt nhiều kết quả, giúp tăng năng suất, cải thiện lợi nhuận.
Ông Trần Văn Thành, ấp Phú Hữu, xã Phú Hữu chia sẻ: “Tôi đã sống ở Đìa Thùng hơn 70 năm. So với những năm trước đây, bây giờ phải nói rằng ấp Phú Hữu nói chung, Đìa Thùng nói riêng có sự phát triển đáng kể. Người dân luôn cố gắng lao động, làm giàu trên mảnh đất quê hương và thực sự có nhiều hộ đã vươn lên khá giàu”.
Đồng chí Võ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Phú Hữu cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng của xã Phú Hữu anh hùng, thời gian qua địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội; chuyển giao khoa học kỹ thuật, xã được công nhận xã nông thôn mới. Đời sống người dân trên địa bàn xã nói chung, ấp Phú Hữu nói riêng, trong đó có khu vực Đìa Thùng ngày càng được nâng lên; trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định”.
Câu chuyện về Đìa Thùng tạm khép lại, tôi cũng kết thúc hành trình ở nơi đây. Nhìn ngoài trời thì đêm cũng đã buông dần, tiếng tàu lá dừa nước khua đều theo nhịp gió làm lòng người nhớ về một thời xưa cũ. Trong từng nếp nhà ánh điện chói chang, gợi về một miền tương lai xán lạn của Đìa Thùng; xóm nhỏ đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Theo HOÀNG PHÚC (Báo Sóc Trăng)