Trở lại Hòn Tre

01/04/2022 - 09:29

Hòn Tre là một trong bốn xã đảo của huyện Kiên Hải. Nơi đây tứ bề sóng vỗ, cả ngày lẫn đêm, người dân xứ hòn vẫn miệt mài với những chuyến ra khơi, bám biển mưu sinh…

Một ngày cuối tháng 5, tôi trở lại Hòn Tre. Buổi trưa, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi mượn xe gắn máy của anh bạn dạo một vòng quanh đảo. Con đường ngang đảo dài khoảng 12km rợp bóng mát của cây rừng; thỉnh thoảng, mùi thơm của xoài, mít chín trên vườn như muốn giới thiệu với du khách những sản vật trứ danh của xứ đảo. Địa hình của Hòn Tre dốc, chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình khoảng 30 mét so mặt nước biển. Trên đảo có 2 ngọn núi, ngọn cao phía nam và ngọn thấp phía bắc, vì vậy nhìn từ xa, đảo Hòn Tre như chú rùa khổng lồ nổi lên giữa biển khơi. Trong đó, đỉnh núi cao nhất khoảng 400 mét so mặt nước biển, phía trên là cánh rừng nguyên sinh, nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã…

Mấy chục năm trước, người dân từ nhiều nơi ra đảo lập nghiệp. Đến nay, Hòn Tre có hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống. Cứ như vậy, Hòn Tre vẫn sừng sững, hiên ngang giữa biển Tây Nam, che chắn bão dông cho TP. Rạch Giá như cách dân gian hay bảo: “Hòn Tre là Hòn Che bởi đảo có vị trí án ngữ dông bão, che chắn cho TP. Rạch Giá”. Hòn Tre được chọn là trung tâm hành chính của Kiên Hải từ khi thành lập huyện năm 1983.

Hòn Tre yên bình giữa biển khơi.

Theo đồng chí Huỳnh Quốc Việt - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kiên Hải, Hòn Tre mang vẻ đẹp độc đáo với những hòn đá khổng lồ mang hình thù khác nhau nhô ra biển. Đá trải dài quanh đảo như pháo đài ngăn sóng gió. Do địa hình đồi núi nên nhiều nhà nằm gọn trên một tảng đá lớn, khu dân cư nằm xen những khối đá. Trên đảo có nhiều khe suối nhỏ là nguồn cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân. “Ở Hòn Tre, do bốn bề là biển nên cả ngày lẫn đêm, người dân vẫn miệt mài với những chuyến ra khơi, bám biển để mưu sinh. Con người thật thà, tử tế, xe gắn máy có thể để ngoài đường mà không sợ bị mất trộm”, đồng chí Việt nói.

Năm 2015, Hòn Tre có điện lưới quốc gia. Sau sự kiện đó, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân xứ đảo ngày càng phát triển. Năm 2019, Hòn Tre về đích xã nông thôn mới; năm 2020, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa của Hòn Tre đạt 90%… Bà Châu Kim Oanh - người dân sống tại Hòn Tre chia sẻ: “Những năm gần đây, khách du lịch đến Hòn Tre tăng. Bây giờ Hòn Tre có nhiều nhà nghỉ, khách sạn phục vụ nhu cầu của du khách; người dân làm du lịch cũng chuyên nghiệp hơn. Nhờ du lịch, nhiều quán ăn, quán cà phê, karaoke phát triển… từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của xã đảo”.

Người dân Hòn Tre gửi hải sản tàu cao tốc vào đất liền bán.

Ở Hòn Tre cũng như các vùng biển khác, tục thờ Bà Chúa Xứ và thần Nam Hải (thờ cá voi) trở thành nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người dân. Ngoài đẹp về vùng đất, con người, ẩm thực ở Hòn Tre phong phú, hấp dẫn. Các loại hải sản như sò, vọp, ghẹ, mực và nhiều loại ốc biển như ốc gai, ốc mỡ, ốc cờ, hàu… và nhất là tôm tích được cho là ngon nhất ở xứ biển Kiên Giang. Ngoài ra, ở Hòn Tre còn có món nhộng ve chiên giòn - món ăn mà bất cứ ai thử qua một lần sẽ không bao giờ quên.

Thưởng ngoạn Hòn Tre, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là những thanh niên đi bắt cua đá, đục hàu… theo các khối đá ở mé biển, xa xa ngoài khơi là những ngư dân trên ghe đánh lưới ghẹ, đặt ốc mực mưu sinh. Cứ như vậy, cuộc sống của người dân Hòn Tre giản dị, bình yên... Có người nói, cuộc sống của người dân nơi đây hơi buồn nhưng với nhiều người sự bình dị của cuộc sống cùng nét hoang sơ của núi rừng khiến họ lưu luyến.

Tôi rời Hòn Tre về TP. Rạch Giá trên con đường ngoằn ngoèo từ trung tâm xã xuống bến tàu, tiếng nhạc từ các quán vẫn du dương xen tiếng sóng biển rì rào…

Theo TRUNG HIẾU (Báo Kiên Giang)