Vĩnh Long cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư

02/03/2023 - 16:22

Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh vừa có chuyến khảo sát thực địa, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Vĩnh Long. Tiếp và làm việc với đoàn, ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư (NĐT), kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án”.

A A

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư tại Vĩnh Long

Ông Ida Koji- Phó Trưởng Đại diện Jetro tại TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản xem Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư. Theo một khảo sát thường niên của Jetro, các DN Nhật Bản đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Mỹ trên bảng xếp hạng về địa điểm đầu tư.

Ông cũng cho biết thêm, các DN Nhật Bản đang tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long. “Những thông tin thu thập được trong chuyến đi sẽ cung cấp cho các NĐT, các DN Nhật Bản nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh trong thời gian tới”- ông Ida Koji nói.

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh sang thị trường Nhật Bản đạt 60,2 triệu USD, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 40% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ yếu là giày da, dệt may, linh kiện sản xuất ô tô, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản chế biến. Kim ngạch nhập khẩu đạt 20,3 triệu USD, chiếm 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, tăng 110% so cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dùng sản xuất linh kiện ô tô, dược phẩm, hàng may mặc.

Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh tham quan thực tế tại Công ty CP Acecook Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long.

Đối với nhóm ngành nông sản, tỉnh xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu là nấm và bắp non đóng hộp với kim ngạch xuất khẩu khoảng 250.000 USD, chiếm khoảng 1,12% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả và chiếm 0,4% tổng số hàng hóa xuất sang Nhật Bản. DN của tỉnh cũng gia công chế biến khoai lang và củ sen cho đối tác xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đến nay, toàn tỉnh có 267 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng mức vốn đăng ký đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng và khoảng trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 73 dự án FDI, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Nhật Bản có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 213,8 triệu USD (thuộc các lĩnh vực đầu tư như sản xuất, gia công thực phẩm; sản xuất và chế biến nông sản; dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa; sản xuất máy, công cụ, các linh kiện máy may và các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ…). Nhật Bản xếp thứ nhất về tổng vốn đầu tư vào tỉnh, xếp thứ hai là Seychelles với 133,3 triệu USD, thứ ba là Hàn Quốc với 104,1 triệu USD.

Ưu đãi, đồng hành và hỗ trợ NĐT

Là tỉnh thuộc trung tâm vùng ĐBSCL, tiếp giáp với 7 tỉnh trong vùng, Vĩnh Long có 5 tuyến quốc lộ và 3 tuyến đường sông quốc gia đi qua; cùng với tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đang thi công hoàn thành sẽ tạo thêm động lực phát triển.

Với thế mạnh về nông nghiệp, hàng năm tỉnh sản xuất trên 817,9 ngàn tấn lúa và khoảng 235.000 tấn khoai lang, cùng với các loại cây ăn trái đặc sản, thế mạnh như: nhãn, xoài, cam sành Tam Bình, bưởi năm roi Bình Minh, sầu riêng ri 6… Kinh tế thủy sản cũng là một trong những mũi đột phá, với diện tích nuôi trồng khoảng 2.485ha, sản lượng đạt gần 134.000 tấn/năm (chủ yếu là cá tra, cá điêu hồng).

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống kết hợp với những loại hình du lịch nổi tiếng như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, chương trình du lịch “Đi trong màu xanh đồng bằng”, homestay và du lịch cộng đồng. Điểm đặc sắc của các chương trình du lịch là sự kết hợp tìm hiểu những di tích lịch sử văn hóa lâu đời.

Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất khoảng 235.000 tấn khoai lang, cùng với các loại cây ăn trái đặc sản.

Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất khoảng 235.000 tấn khoai lang, cùng với các loại cây ăn trái đặc sản.

Ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết thêm, tỉnh đã ban hành các chính sách, hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân vận động thu hút đầu tư vào tỉnh (theo Nghị quyết số 97 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Long). Cụ thể, bao gồm các chính sách hỗ trợ về: kinh phí chuẩn bị đầu tư; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng; kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; hỗ trợ về tín dụng…

Bên cạnh, hỗ trợ, đầu tư đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến rau, củ, quả; xây dựng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao…

Ngoài ra, NĐT được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt cho biết, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 là tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. “Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 11,28%. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường; công tác tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đăng ký tương đương 9.405 tỷ đồng.

Theo Báo Vĩnh Long