Tại Vĩnh Long, công tác ứng phó mưa, lũ, triều cường cũng đã được ngành chức năng, địa phương triển khai thực hiện.
Dự báo triều cường ở mức cao
Theo nhận định của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước, đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 (BĐI) và trên BĐI, đỉnh lũ năm 2022 tại Tân Châu dao động ở mức 3,5- 3,7m, tại Châu Đốc dao động ở mức 3- 3,2m, thời gian xuất hiện vào nửa cuối tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,3- 0,5m.
Mực nước sông lên nhanh, người dân cần chủ động các biện pháp ứng phó với lũ, triều cường.
Tuy nhiên, trong tháng 10 và tháng 11, tại khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều ở mức cao, các đợt triều cường trong tháng 11 nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam, khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển, vùng ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều tại các tỉnh Nam Bộ sẽ có nguy cơ ngập, lụt.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina làm cho mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ gia tăng. Trong tháng 9/2022, tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60%; trong tháng 10 đến tháng 11, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn từ 30- 60%, trong đó tháng 10 có nơi cao hơn 70%, tại Nam Bộ tổng lượng mưa cao hơn từ 10- 20% so với trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60- 70% và tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ có 2 đợt triều cường ở mức cao trong tuần thứ 2 và tuần cuối của tháng 10, có thể ảnh hưởng đến đỉnh lũ năm nay.
Dự báo triều cường năm 2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tính đến 7 giờ ngày 12/8, mực nước cao nhất trên các sông, rạch trong tỉnh đang nhanh lên theo triều. Cụ thể: Tại Mỹ Thuận cao hơn BĐI 0,07m, cao hơn cùng kỳ năm trước 0,39m, cao hơn so với đỉnh kỳ triều đầu tháng 7 âl 0,34m, thấp hơn mực nước lịch sử 2019 là 0,45m.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh- Trương Hoàng Giang, cho biết: Mực nước trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận, sông Hậu tại Cần Thơ tiếp tục lên nhanh theo triều trong vài ngày tới. Đỉnh triều cao nhất trên các sông, rạch trong tỉnh có thể xuất hiện trong các ngày 13, 14/8 (nhằm ngày 16, 17 tháng 7 âl), ở mức trên BĐII. Thấp hơn mực nước lịch sử năm 2019 0,42m. Cần đề phòng triều cường kết hợp mưa lớn có thể gây ngập lụt ở các vùng ven sông, trũng thấp.
“Cả mùa khô 2022 mực nước đã cao hơn trung bình nhiều năm. Hiện Trạm Khí tượng Thủy văn đã đặt các trạm đo mực nước ở các điểm có các sông chính như: Ba Càng (Tam Bình), Phú Đức (Long Hồ), Tân Thành (Bình Tân), Tích Thiện (Trà Ôn), Hiếu Nhơn- Nhà Đài và đầu vàm cầu Cống (Vũng Liêm), qua đó cập nhật thông tin mực nước để cảnh báo đến ngành chức năng, địa phương để kịp thời có biện pháp ứng phó”- ông Giang chia sẻ.
Là xã giáp với sông Hậu, ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), cho biết: Chủ động ứng phó trong mùa mưa, lũ, triều cường, địa phương đã chủ động khảo sát, rà soát các đoạn có nguy cơ sạt lở và sạt lở, xuống cấp để cảnh báo kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình mưa, lũ để người dân chủ động đề phòng, đảm bảo an toàn sản xuất, sinh hoạt.
Tương tự, tại xã An Bình, ông Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho hay: Xã có tuyến bờ bao ven sông Tiền. Hiện tại, đang trong mùa mưa, bão, lũ, do đó, địa phương cũng đã chủ động triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó, như: theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn, thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao ven sông, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc chằng, chống nhà ở, gia cố bờ bao, bảo vệ sản xuất,…
Chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó
Để đề phòng thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa lũ, ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Sở đã có công văn đề nghị UBND các huyện, UBND TX Bình Minh và TP Vĩnh Long theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, thông báo lũ từ các cơ quan chuyên môn cung cấp, để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó. Đồng thời, chỉ đạo vận hành các công trình thủy lợi phù hợp với diễn biến lũ và tình hình thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao ở vùng kém an toàn với lũ trên địa bàn; xây dựng kế hoạch bơm tát, chống ngập úng, duy tu, sửa chữa nâng cấp các đoạn đê, bờ bao xuống cấp, xung yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ. Những công trình vượt quá khả năng đầu tư của huyện, tổng hợp báo cáo về sở để trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.
Địa phương, người dân cần chủ động ứng phó với thiên tai để hạn chế thiệt hại.
Song song đó, các địa phương cần khẩn trương xây dựng các phương án để kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó với tình huống lũ, triều cường bất thường, tập trung cho các vùng sản xuất kém an toàn với lũ. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của lũ đến sản xuất, dân sinh. Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai (24/24 giờ); chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng, kinh phí, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng khắc phục thiệt hại do mưa, bão, lũ, triều cường gây ra,…
Ông Trương Hoàng Giang cũng cho biết: Trong thời gian tới, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long sẽ chú trọng công tác nâng cao năng lực dự báo cho đội ngũ dự báo viên, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổ chức quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn tại các vị trí cần thiết để ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Để chủ động ứng phó với đợt triều cường trong năm nay, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương trong vùng tiếp tục làm tốt công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ”; tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao bờ vùng xuống cấp, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao bị ảnh hưởng trong các đợt triều cường để thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt là các vùng giữa gồm một phần của vùng phù sa cặp sông Tiền, sông Hậu từ Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một phần của Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… là vùng rất nguy hiểm trước nguy cơ bị lũ vì hệ thống đê bao chưa tốt, các địa phương cần có phương án chủ động bố trí thời vụ phù hợp để tránh lũ cuối vụ.
Theo Báo Vĩnh Long