Vĩnh Long: Kiên cố nhà, công trình đảm bảo an toàn với mưa lớn, gió mạnh

14/06/2023 - 10:19

Đã trở thành quy luật, cứ vào mùa mưa, nhất là thời kỳ đầu mùa là Vĩnh Long có nhiều nhà cửa, công trình bị hư hỏng do giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh. Kiên cố, chằng chống nhà ở, công trình đảm bảo an toàn trước thiên tai này cần được quan tâm nhiều hơn…

Mỗi năm có trên 200 căn nhà bị hư hỏng

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2010-2022, trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có hàng trăm căn nhà cùng với nhiều diện tích cây trồng, công trình bị hư hại do giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh gây ra, thiệt hại về tài sản hàng chục tỷ đồng/năm.

Các năm có nhiều nhà bị thiệt hại là năm 2011 (345 căn), năm 2012 (835 căn), năm 2017 (353 căn), năm 2019 (408 căn), năm 2020 (332 căn), năm 2021 (242 căn) và năm 2022 (126 căn).

Thực tế cho thấy, đặc điểm chung của tình trạng thiệt hại do các thiên tai này gây ra trong những năm qua ở tỉnh ta là thời điểm xảy ra nhiều nhất vào đầu mùa mưa, sau đợt ít mưa ngắn hạn trong mùa mưa (sau đợt hạn bà chằn) hay khi xảy ra bão mạnh.

Nhà ở “3 cứng” nhưng mái không liên kết với tường chắc chắn cũng bị tốc mái do lốc, gió mạnh. Trong ảnh: Một căn nhà bị hư hại do lốc xoáy. Ảnh: Tư liệu

Vùng bị thiệt hại nhiều là vùng thường bị lốc xoáy, gió mạnh “quét” qua. Đó là những dãy đất ven các sông lớn, kinh trục chính, các tuyến đường lớn có hướng vuông góc với hai hướng gió chính Đông Bắc, gió Tây Nam vì có khoảng rất trống trải, không có vật cao chắc gió.

Trong đó, ở thời kỳ đầu mùa mưa, thường các vùng ven sông Hậu bị lốc xoáy nhiều nhất, có nhà cửa bị hư hỏng nhiều; ở thời kỳ cuối mùa mưa, dãy đất ven sông Tiền, sông Cổ Chiên bị ảnh hưởng lớn hơn. Các cù lao, cồn trên sông lớn bị ảnh hưởng cả hai mùa.

Nhà ở, công trình ven các kinh, rạch lớn có hướng vuông góc với 2 hướng gió chính vừa nêu đều bị gió lốc gây thiệt hại. Ở đất liền, số nhà, công trình ở giữa đồng trống, hoặc ở cuối hướng gió của khu đất trống, những lồng, bè nuôi thủy sản ven các sông lớn cũng thường hay bị lốc gây hại...

Về loại nhà thường bị thiệt hại do giông, lốc phần lớn là nhà bán kiên cố (nhà tường, nhà gỗ có mái lợp bằng tôn, ngói, tôn fibro xi măng và giằng không chắc chắn, mái không dấu kín vào tường mà nhô ra ngoài), nhà không kiên cố, nhà tạm bợ (nhà lá, nhà vách tôn, lợp tôn...) và nhà nằm ở khu vực trống trải, không có cây cao chắn gió; nhà ở nông thôn bị tốc mái, sập nhiều hơn ở thành thị...

Vì sao số nhà bị thiệt hại còn nhiều?

Theo các chuyên gia và thực tiễn cho thấy có những nguyên nhân chính làm cho nhà cửa, công trình vẫn còn bị thiệt hại nhiều do giông, lốc.

Trước hết, Vĩnh Long có địa hình đồng bằng bằng phẳng, trống trải, bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi, kinh, rạch; nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm, lượng mưa không đều trong mùa mưa và có nhiều đợt không mưa kéo dài trong mùa mưa. Đây là những điều kiện dễ sinh ra và dễ bị tác động của hiện tượng giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh trong mùa mưa.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo hướng tiêu cực, đan xen tác động của hiện tượng ENSO (diễn ra ở trạng thái El Nino hoặc La Nina) khiến thời tiết, khí tượng thay đổi thất thường, nhiều thiên tai cực đoan xảy ra, gây ra thiệt hại càng nặng nề hơn...

Bên cạnh, do kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng, nhà ở, công trình xây dựng ngày càng nhiều nhưng tổ chức, cá nhân chưa chú trọng tính an toàn đối với thiên tai giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh nên số lượng nhà bị thiệt hại còn nhiều.

Các quy định về xây dựng nhà ở, công trình đảm bảo an toàn với thiên tai của tỉnh đã được ban hành (cụ thể là Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND ngày 5/9/2022 ban hành Quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, sử dụng các công trình và tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long) nhưng do chưa có quy định, cơ chế ràng buộc cụ thể trong cấp phép xây dựng nhà ở, công trình, và thiếu giám sát, kiểm tra, nên nhà cửa dân xây mỗi nơi mỗi kiểu, chỉ chú ý che mưa, che nắng và thẩm mỹ, ít chú ý đến tính kiên cố chống bão, chống gió mạnh.

Ngoài ra, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển, kiên cố nhà ở đã có nhưng mức hỗ trợ cho vay còn thấp, chưa đảm bảo hộ dân xây dựng được nhà kiên cố, vì vậy cũng làm chậm tốc độ kiên cố hóa nhà ở trong tỉnh.

Cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển, kiên cố nhà ở

Cần nâng mức hỗ trợ để hộ nghèo có thể vay, xây dựng nhà kiên cố ứng phó thiên tai.

Cần nâng mức hỗ trợ để hộ nghèo có thể vay, xây dựng nhà kiên cố ứng phó thiên tai.

Hiện tại tỉnh Vĩnh Long đã có các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở, điển hình như: Chương trình Phát triển nhà ở đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành tại Nghị quyết số 260/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh, Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 của UBND tỉnh và Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh ban hành Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015...

Tuy nhiên, quy định mức cho vay để làm nhà ở là 25 triệu đồng/hộ tại Quyết định số 653/QĐ-UBND và 35 triệu đồng/nhà xây nhà “3 cứng” đảm bảo an toàn bão, lũ (diện tích tối đa 24m2) tại Quyết định số 3052/QĐ-UBND là quá thấp so với mức một ngôi nhà đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống bão (diện tích khoảng 50m2) ít nhất là 80 triệu đồng, cần điều chỉnh theo hướng nâng mức hỗ trợ cho vay.

Song song đó, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho các tỉnh vùng ĐBSCL như đã có chính sách đối với các tỉnh miền Trung (tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung) và nâng mức cho vay xây dựng nhà để giúp các tỉnh, thành trong vùng giảm bớt thiệt hại do bão, lốc, gió mạnh gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động gia tăng.

Trong cấp phép xây dựng, ngành chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cần xem xét quy định xây dựng nhà ở, công trình đảm bảo an toàn với thiên tai tại Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND nêu trên của UBND tỉnh Vĩnh Long.

Theo TRUNG CHÁNH (Báo Vĩnh Long)