Thiệt hại lúa giống, nông dân phải sạ lại
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, vụ lúa Đông Xuân này, toàn tỉnh tập trung xuống giống trong 3 đợt. Cụ thể, đợt 1 xuống giống 10.000ha, tập trung từ ngày 5 - 20/10 (nhằm 2 con nước từ 10 - 25/9 âl); đợt 2 xuống giống 30.000ha, tập trung từ 3 - 18/11 (nhằm con nước từ mùng 10 - 25/10 âl); đợt 3 xuống giống 5.000ha, tập trung từ 3 - 18/12 (nhằm con nước từ mùng 10 - 25/11 âl).
Trong đó, đợt 2 là đợt xuống giống chính và phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều nông dân trong tỉnh cũng đã tập trung xuống giống trong đợt này.
Song, thời gian này trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa lớn khiến giống bị vùi lấp dưới bùn hoặc chìm sâu dưới nước. Mặt khác, nước mưa làm giảm hiệu lực thuốc trừ ốc bươu vàng nên lúa giống cũng bị thất thoát thêm do đối tượng gây hại này.
Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ghi nhận riêng trên địa bàn một số huyện có nhiều diện tích lúa bị chết giống với tỷ lệ phổ biến từ 25 - 40%.
Nông dân đang tập trung xuống giống vụ lúa Đông Xuân đợt 2.
Ghi nhận tại Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, mưa lớn kéo dài đã làm nhiều diện tích lúa bị chết giống, nông dân phải gieo sạ bổ sung, thậm chí gieo sạ lại. Mưa lớn những ngày qua đã làm nhiều ruộng lúa ở đây bị chết giống, có ruộng thiệt hại trên 70%.
Tại xã Long Phước (Long Hồ), nhiều ruộng lúa mới gieo sạ không rút nước ra kịp. Nhiều ruộng khác nông dân phải mua lúa giống để sạ lại hoặc sạ bổ sung.
Có 3 công lúa bị ảnh hưởng mưa lớn, chú Tạ Quang Dũng (xã Long Phước - Long Hồ) cho biết: “Lúa giống bị ngập nhiều quá nên tôi tính sạ lại, tiền lúa giống, cày, xới lại cũng khoảng 500.000 đ/công. Nếu không sạ lại thì phải tốn tiền công giặm 200.000 đ/ngày”.
Một số nông dân tại Mang Thít cũng cho hay vụ này đã tính toán sạ tránh con nước triều cường ngay rằm tháng 10 nhưng mưa lớn quá nên dù có máy bơm nhưng cũng không thoát nước kịp. Nhiều ruộng lúa bị chết giống từ 30 - 50%, có ruộng còn chết lúa giống nhiều hơn do ở vùng trũng.
Chú Dương Văn On (xã Tân Long Hội - Mang Thít) cho biết: “Tôi sạ vào mùng 8 - 9 âl bị mưa làm hao hụt giống trên 50%, bây giờ phải ngâm giống sạ lại một phần với rải phân lót. Ruộng của tôi ở vùng đất gò còn đỡ chứ những ruộng ở vùng đất trũng, đất sâu là coi như mất trắng, phải sạ lại”.
Trong khi đó, có 5 công ruộng vừa sạ bị ngập, chú Đặng Gia Quang (xã Tân Long - Mang Thít) cũng cho biết: “Ruộng chìm trong nước 3 - 4 ngày, rút ra thì thấy lúa giống bị ốc ăn, xử lý không kịp nên giờ lúa chết nhiều quá. Tôi phải ngâm giống sạ lại”.
Khuyến cáo tránh triều cường, né mặn
Người dân bơm tát cứu lúa thiệt hại do mưa lớn.
Mưa lớn sau khi sạ lúa khiến nông dân phải tốn thêm chi phí bơm tát, chi phí mua thêm thuốc diệt ốc bươu vàng và phân bón để chăm sóc lúa. Những ruộng bị thiệt hại nặng nông dân gần như mất trắng, đồng thời còn phải chuẩn bị gieo sạ lại cho kịp thời vụ.
Người dân mong muốn chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp giúp nông dân chăm sóc các ruộng lúa bị thiệt hại với tỷ lệ thấp hơn để ruộng lúa phát triển tốt.
Ông Hồ Phước Dư - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mang Thít, cho hay: Đợt xuống giống tập trung đợt 2 vụ Đông Xuân, một số nông dân tại xã Tân Long Hội và Tân Long bị thiệt hại khi xuống giống do gặp mưa lớn. Hiện phòng cũng đã thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ nông dân.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân sạ tránh con nước triều cường, theo dõi thông tin dự báo thường xuyên, chú ý phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ sản xuất.
Để thực hiện tốt mục tiêu sản xuất lúa và rau màu trong vụ Đông Xuân, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cho biết: Các địa phương cần rà soát lại tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế trên địa bàn và có kế hoạch tổ chức chỉ đạo sản xuất cụ thể cho từng vùng.
Những vùng sản xuất lúa 3 vụ không hiệu quả phải bố trí lại mùa vụ theo hướng 2 vụ lúa - 1 vụ màu; 2 vụ lúa - 1 vụ cá; 2 vụ màu - 1 vụ lúa hoặc chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm.
Tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để kịp thời nắm tình hình và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, khắc phục thiên tai, dịch bệnh.
Kết hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân xuống giống tập trung, đồng loạt, theo lịch thời vụ và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là giảm lượng giống lúa trong gieo sạ.
“Trong đó, theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời tình hình mưa lũ, triều cường, kiểm tra, thông báo kịp thời độ mặn và vùng bị nhiễm mặn để các địa phương và người dân chủ động bảo vệ sản xuất.
Đồng thời, tăng cường công tác dự tính, dự báo, theo dõi sát diễn biến của dịch hại để hướng dẫn kịp thời cho nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.
Theo Báo Vĩnh Long