Hai năm gần đây, tuy có biến động về diện tích, giá cả vật tư và đầu ra, nhưng diện tích trồng rau màu trong tỉnh (trừ cây khoai lang) vẫn còn khá nhiều. Trong đó, vụ Đông Xuân có từ 18.000 - 23.000ha, sản lượng khoảng 500.000 tấn; vụ Hè Thu từ 17.000 - 18.000ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn.
Nhờ tăng cường thực hiện các giải pháp công nghệ và thị trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là đảm bảo cơ bản các điều kiện vệ sinh nên nhiều mặt hàng rau cải dần có mặt tại các siêu thị, chợ an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng.
Vụ màu Đông Xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 22.800ha. Đến giữa tháng 1, đã có 13.208ha được gieo trồng, đạt 57,8% kế hoạch; trong đó, màu xuống ruộng 3.975ha, chiếm 30% diện tích xuống giống.
Nông dân xã Phước Hậu (huyện Long Hồ) xuống giống màu trong mùa khô.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, trong vụ này, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiếp tục được ngành nông nghiệp chuyển giao đến nông dân, giúp họ ứng dụng trong thực tế sản xuất. Người trồng rau tập trung đầu tư chăm sóc, sử dụng giống mới, đa dạng hóa giống rau màu, áp dụng các phương pháp canh tác tiến bộ như dùng màng phủ nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ,… nên sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Hiện toàn tỉnh có 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống rau màu, có 6 cơ sở sản xuất rau màu được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương, 35ha rau màu của tổ hợp tác, HTX đạt chứng nhận VietGAP. Trong năm qua, ngành chuyên môn đã tư vấn, hỗ trợ chứng nhận 60ha sản xuất rau màu đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng 4 mã vùng trồng và ký kết 4 bản thỏa thuận hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong tình hình hạn, mặn, thiếu nước tưới, nhiều nơi nông dân đã chuyển đổi tích cực để thích ứng điều kiện sản xuất khó khăn bằng cách áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà kính. Toàn tỉnh có trên 1.000ha rau màu áp dụng tưới tiết kiệm nước, 2,75ha trồng trong nhà lưới, nhà màng trồng dưa lưới, dưa leo, các loại rau thủy canh với chế độ nước, dinh dưỡng hồi lưu.
So với cách tưới truyền thống; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tiết kiệm nước từ 30 - 50%, giúp giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 20 - 50%, giảm lượng phân bón 10 - 25%, tăng năng suất cây trồng 10 - 20%, tránh rửa trôi bề mặt đất, tránh thoái hóa đất canh tác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường bảo vệ tài nguyên đất - nước.
Đặc biệt, trước xu thế của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn bất thường, thiếu nước tưới ngày càng gia tăng nên công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là một giải pháp hữu hiệu, cấp thiết cho vùng bị khô hạn, bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng NTM. Các biện pháp thâm canh IPM, trồng rau theo ngưỡng an toàn… cũng được nông dân các vùng có truyền thống trồng rau màu áp dụng một cách phổ biến.
Theo tổng kết của ngành nông nghiệp từ việc trồng rau màu trong mùa khô ở các năm gần đây cho thấy, mặc dù bỏ ra nhiều công và sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thời điểm thu hoạch, thị trường tiêu thụ, nếu đầu tư đúng mức thì người trồng rau màu thu được hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa. Bình quân, mỗi hecta màu thu lợi từ 20 - 150 triệu đồng, cao gấp 1,5 - 7 lần so với lúa. Trong đó, nhóm cho hiệu quả kinh tế cao nhất là nhóm rau ăn lá, còn nhóm rau ăn quả, ớt, dưa hấu cũng khá cao.
Theo Báo Vĩnh Long