Vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng

16/05/2024 - 14:18

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn và ngập ngọt lớn nhất vùng ÐBSCL. Ngành chức năng địa phương đã quan tâm phát triển các mô hình kinh tế bền vững dưới tán rừng, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ, phát triển rừng.

A A

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL với 142.000ha.

Du lịch sinh thái giúp tái tạo rừng

Khoảng năm 2015, người dân vùng rừng U Minh Hạ (huyện Trần Văn Thời và U Minh) dựa vào tán rừng tràm, với nghề di sản gác kèo ong, sản phẩm mật ong U Minh Hạ, các loại cá đồng nổi tiếng phong phú, đa dạng để phát triển du lịch. Anh Phạm Duy Khanh, chủ điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Về vùng đất U Minh Hạ, điều đầu tiên du khách muốn biết là tán rừng tràm bạt ngàn nổi tiếng của tỉnh Cà Mau như thế nào, tiếp đến là nghề gác kèo ong và sản vật địa phương phong phú ra sao. Cũng từ đó mà những tán rừng tràm được trồng, chăm sóc để tỏa rộng những mảng xanh, trở thành không gian cho ong mật trú ngụ. Ðiểm chung là bà con làm du lịch cần phải giữ rừng tràm để làm gốc rễ của các sản phẩm phục vụ du khách”.

U Minh Hạ hiện có gần 200ha rừng tràm được chăm bồi để phục vụ du lịch sinh thái. Còn tại vùng rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, Khu du lịch Mũi Cà Mau đang khai thác hầu hết 42.000ha rừng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng tận dụng những lợi thế từ tán rừng để vươn lên. Từ thị trấn Năm Căn, đi theo đoạn cuối đường Hồ Chí Minh trên bộ về mốc tọa độ GPS-0001 cực Nam Tổ quốc (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), hai bên đường là tán rừng đước, rừng mắm bạt ngàn. Xa xa là những khoảnh rừng được người dân địa phương tỉa tót ngay ngắn, trông rất đẹp mắt để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, và điểm du lịch cộng đồng Hoàng Hôn (ấp Mũi, xã Ðất Mũi) là một trong số đó. Không chỉ giữ lại tỷ lệ rừng cao trong diện tích 4,7ha nhằm tạo cảnh quan phục vụ du khách, điểm du lịch này còn liên kết với người dân tạo ra sản phẩm du lịch, hướng tới tái tạo rừng. Cách làm của điểm du lịch Hoàng Hôn là liên kết với người dân còn diện tích đất trống, cho du khách được tự tay trồng rừng.

Anh Nguyễn Trung Kiên đang quản lý, khai thác sản phẩm du lịch trồng rừng tại điểm du lịch Hoàng Hôn, cho biết: “Trên mảng diện tích rừng nhỏ, du khách trồng vài cây đước, cây mắm non, họ cặm bảng có tên mình. Ðều đặn hằng tháng hay khi được người trồng yêu cầu, nhân viên của điểm du lịch sẽ chụp hình sự phát triển của cây rừng gửi đến để khách theo dõi. Du khách khi trồng rừng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, còn người dân không phải trồng rừng, đỡ tốn chi phí mà còn có thêm thu nhập. Sản phẩm du lịch này đưa vào khai thác chưa lâu nhưng đã có gần 200 du khách trải nghiệm và họ đã trồng được gần 3ha rừng ở vùng đất tận cùng Tổ quốc thiêng liêng”.

Xã Ðất Mũi có diện tích khoảng 144km2 trong đó hơn 90% diện tích đất có rừng. Ngoài đa phần diện tích rừng đặc dụng trong Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, phần còn lại người dân địa phương nuôi tôm dưới tán rừng. Từ năm 2016, khi tuyến đường Hồ Chí Minh thông tuyến, du khách tìm về ngày càng đông. Nắm bắt thị hiếu đó, nhiều hộ dân chuyển qua làm du lịch sinh thái cộng đồng. Ông Nguyễn Minh Ðua, một trong những hộ dân đang làm du lịch cộng đồng tại xã Ðất Mũi, cho biết: “Những tán rừng trước đây trồng với mục đích cho đủ diện tích theo quy định, nay được gia đình tôi chăm sóc, tạo cảnh quan phục vụ khách. Những cây rừng rợp tán cũng thu hút nhiều chim cò về trú ngụ. Từ đó, gia đình tôi nảy sinh ý định tái tạo một khu rừng nguyên sinh làm vườn chim phục vụ du khách. Vì thực tế giá trị kinh tế từ du lịch cao hơn 5 lần nuôi tôm. Du khách đến đây họ thích về với tự nhiên nên những hộ làm du lịch cộng đồng phải giữ rừng thật tốt”.

Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

Tỉnh Cà Mau có hơn 90.000ha rừng ngập mặn, trong đó huyện Ngọc Hiển có diện tích lớn nhất với khoảng 33.000ha chủ yếu do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển và các Ban quản lý rừng quản lý. Những năm qua, công tác quản lý rừng được các chủ rừng thực hiện tốt, không để xảy ra tình trạng mất rừng. Ngoài tăng cường quản lý, bảo vệ thì kết quả đó đến từ việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả dưới tán rừng. “Huyện đang có khoảng 21.000ha nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế chứng nhận sạch, sinh thái. Ðể nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt năng suất, chất lượng, huyện đã chỉ đạo xây dựng quy trình nuôi và tiến hành hướng dẫn, tập huấn hầu hết hộ dân nuôi tôm trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng thực hiện các mô hình điểm trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn và mang lại hiệu quả cao. Có những mô hình, người dân xổ con nước thu vài chục triệu đồng. Mô hình nuôi tôm sinh thái giúp người dân vươn lên dưới tán rừng và cũng hiểu hơn giá trị của việc bảo vệ rừng” - ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân sống dưới tán rừng có điều kiện vươn lên. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý để cây keo lai trở thành đối tượng trồng rừng sản xuất ở vùng đất rừng U Minh Hạ. Khi đó, người dân địa phương trồng cây tràm theo kiểu truyền thống phải mất khoảng 15 năm mới đến chu kỳ thu hoạch, sản lượng gỗ chỉ đạt 80-100m3/ha. Còn cây keo lai được kê liếp trồng chỉ 5 năm là cho thu hoạch, sản lượng gỗ đạt khoảng 200 tấn/ha. Giá trị cây keo lai được đánh giá cao gấp 3 lần so với cây tràm truyền thống. Cũng vì vậy, mô hình trồng keo lai nhanh chóng được nhân rộng và hiện vùng đất rừng U Minh Hạ có khoảng 30.000ha rừng sản xuất là keo lai. “Giá tràm thấp nên chỉ mang lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha. Trong khi nhiều năm qua giá cây keo lai duy trì khá ổn định khoảng 1.000 đồng/kg, chăm sóc keo lai tốt, mỗi chu kỳ có thể đạt 150 triệu đồng/ha” - ông Nguyễn Văn Tẻn người dân ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết.

Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh có 142.000ha rừng. Ðể phát triển rừng bền vững, tỉnh Cà Mau tiếp tục tìm giải pháp tăng hiệu quả các mô hình kinh tế dưới tán rừng. Cà Mau đang có 2 công ty lâm nghiệp nằm ở 2 khu vực rừng ngập mặn và ngập ngọt. Trong thực hiện sắp xếp những doanh nghiệp này, UBND tỉnh Cà Mau ưu tiên chọn thêm những thành viên là nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ để không chỉ hướng tới tăng giá trị lâm sản mà còn góp phần giải quyết việc làm tại địa phương. “Những tán rừng ngập nước, đặc biệt là rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các-bon cao hơn 3-4 lần rừng trên cạn. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu thị trường các-bon tại địa phương, UBND tỉnh Cà Mau đã cho phép tiếp cận nghiên cứu, tính toán. Ðến khi Chính phủ có hành lang pháp lý sẽ sớm triển khai thực hiện. Với diện tích rừng ngập mặn lớn, tỉnh Cà Mau cũng kỳ vọng sẽ giúp người dân trồng rừng có thêm nguồn thu từ thị trường các bon” - ông Thức cho biết.

Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)