Vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh hợp tác phát triển

17/03/2023 - 09:40

Những năm qua, 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng và cả nước. Phát huy các kết quả đã đạt được, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cùng TP Hồ Chí Minh đã thống nhất tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác trên nhiều lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

A A

Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ thuộc Saigon Co.op.

Hiệu quả

Các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cùng TP Hồ Chí Minh đã liên kết, hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ðáng chú ý là hợp tác xúc tiến đầu tư, phát triển giao thông vận tải, khoa học và công nghệ, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lĩnh vực lao động, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…Qua các chương trình và hoạt động hợp tác, các sở ngành của các địa phương đã tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước.

Ðặc biệt, việc liên kết, hợp tác và tham gia đầu tư của nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vào vùng ÐBSCL đã góp phần phát triển công  nghiệp, du lịch, hiện đại hóa hệ thống thương mại - dịch vụ của vùng và đẩy mạnh các hoạt động thu mua, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nông sản. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh cũng tìm kiếm được cơ hội phát triển và nhiều lợi ích khi đầu tư tại vùng ÐBSCL. Theo ông Nguyễn Anh Ðức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), qua 20 năm tham gia đầu tư, mở các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích tại vùng ÐBSCL, đơn vị đã đóng góp tích cực vào phát triển của vùng ÐBSCL, thúc đẩy dịch chuyển từ thương mại truyền thống sang hiện đại, đáp ứng nhu cầu và gia tăng mức sống cho người dân. Saigon Co.op đã có 56 siêu thị, trung tâm thương mại, cùng 23 cửa hàng Co.op Food tại vùng ÐBSCL, với doanh số đạt 6.000 tỉ đồng trong năm 2022. Saigon Co.op đã đóng góp tích cực vào công tác bình ổn thị trường, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động thời vụ. Ðồng thời, thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành. Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 230 nhà cung cấp tại ÐBSCL, chiếm 20% trên tổng số nhà cung cấp, với đa dạng chủng loại sản phẩm. Tổng lượng hàng của ÐBSCL cung ứng cho Saigon Co.op đạt hơn 43.000 tấn/năm, với giá trị trên 1.800 tỉ đồng, đặc biệt đã xuất khẩu 160 container nông sản, thực phẩm chế biến từ vùng ÐBSCL sang thị trường nước ngoài.  Tới đây, Saigon Co.op đặt mục tiêu quy mô doanh thu tại vùng ÐBSCL đạt 10.000 tỉ đồng/năm, thu mua hàng hóa đạt 2.200 tỉ đồng, phát triển 200 điểm bán mới, đa dạng quy mô, phù hợp với đặc thù từng nơi…

Tiếp tục phát huy

Ngày 11-3 vừa qua, tại tỉnh Bến Tre, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo UBND 13 tỉnh, thành thuộc vùng ÐBSCL đã cùng nhau ký Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đến năm 2025. Qua đó, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động phối hợp, hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ÐBSCL theo hướng thiết thực, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm. Mục tiêu nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các bên và khu vực. Tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau...

Các địa phương vùng ÐBSCL cùng TP Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận với 6 nhóm lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Ðó là hợp tác phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại; hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh cũng đề ra một số lĩnh vực hợp tác song phương. Ðơn cử, đối với TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh có chương trình hợp tác, hỗ trợ xây dựng đề án và trình tự thủ tục để thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ÐBSCL nhằm giúp trung tâm sớm đi vào hoạt động… Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trọng tâm của Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 là tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở 2 địa phương, đặc biệt trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư liên tỉnh hoặc liên vùng. Phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên tỉnh, thành... Qua đó, liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn vùng ÐBSCL nói chung và giữa TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh nói riêng để phát huy tốt nhất lợi thế của các tỉnh, thành trong vùng. Trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng cũng như của 2
thành phố.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, việc hợp tác là rất cần thiết và đang có nhiều yếu tố thuận lợi, nhất là khi đã có Quy hoạch vùng ÐBSCL và có Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lãnh đạo các địa phương cũng rất quan tâm và hướng tới hợp tác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp chung, cũng như khai thác tốt lợi thế từng địa phương. Trước tác động của biến đổi khí hậu cũng rất cần phải có sự liên kết, phối hợp để thích ứng và phát triển bền vững...

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tới đây TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung cùng các địa phương triển khai các nội dụng chương trình hợp tác. Chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất triển khai công việc của năm 2023 và các năm tiếp theo để phối hợp các địa phương thực hiện. Thành phố cũng xây dựng cơ chế để trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ thực hiện chương trình hợp tác. Sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư là rất quan trọng, do vậy thành phố kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu thế mạnh, kế hoạch phát triển của từng địa phương và cả vùng ÐBSCL để có quyết định đầu tư. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cam kết tạo điều kiện và nghiên cứu thêm các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp có đầu tư tại vùng ÐBSCL. Phối hợp các địa phương trong tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, từ đó tranh thủ thu hút, dịch chuyển dòng đầu tư về vùng ÐBSCL.

Theo Báo Cần Thơ