Xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi (gọi chung mã vùng trong sản xuất nông nghiệp) nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của nông sản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Mã số vùng là “tấm vé” thông hành cho nông sản của tỉnh tiêu thụ trong nước và ngoài nước; cùng với cơ hội thì đây là thách thức cho sản phẩm của Trà Vinh tham gia vào thị trường toàn cầu về nông sản.
Ông La Quốc Yên (bên trái) cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra thiết bị và lập bản đồ trước khi cho máy bay thực hiện phun thuốc tại cánh đồng được cấp mã số vùng trồng.
Những động thái tích cực trong xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi
Những năm qua, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng tổ chức hướng dẫn, phối hợp với các địa phương xây dựng mã vùng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tam Ngãi, huyện Cầu Kè chia sẻ: đối với địa phương, hiện đang xác định và đăng ký thành công 02 mã vùng trồng xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc, đối với cây xoài (diện tích 27,6ha/63 hộ), nhãn (16,9ha/43 hộ) và 02 mã vùng trồng nội địa trên cây dừa và cây mít. Hợp tác xã mong muốn việc xác định đăng ký mã vùng trồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu liên kết với thành viên trong sản xuất, thu mua sản phẩm; nhằm giúp nhà vườn gia tăng lợi nhuận cũng như phát triển sản xuất ổn định.
Lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã cấp được 69 mã số vùng trồng, diện tích khoảng 4.700ha và 02 cơ sở đóng gói; trong đó, có 23 mã số phục vụ xuất khẩu và 46 mã vùng trồng nội địa. Nông sản được cấp mã số vùng trồng, gồm: dưa hấu, chuối, xoài, thanh long, nhãn, mít, sầu riêng, chôm chôm, dừa,…
Lĩnh vực thủy sản, đã cấp mã số ao nuôi cho 132 hộ và doanh nghiệp, diện tích gần 100ha; trong đó, có 127 hộ nuôi tôm nước lợ và 05 hộ, doanh nghiệp nuôi cá tra. Những sản phẩm được cấp mã số hầu hết đều là sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với địa phương đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng mã vùng trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024 và những năm tiếp theo. Ngoài các sản phẩm chủ lực, tỉnh sẽ xây dựng mã vùng cho những sản phẩm không phải chủ lực nhưng có tiềm năng đầu ra tiêu thụ tốt và tiềm năng xuất khẩu. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ duy trì hoạt động hiệu quả của các vùng trồng, vùng nuôi đã được cấp mã số.
Có thể khẳng định rằng, với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì việc tuân thủ quy tắc về xuất xứ hàng hóa cần đặt lên hàng đầu. Để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, việc xây dựng mã vùng trong sản xuất nông nghiệp là thủ tục cần thiết, bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng mã vùng trong sản xuất nông nghiệp là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt vùng trồng, vùng nuôi và an toàn thực phẩm.
Cũng theo đồng chí Trần Trường Giang, xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi… không chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu; mà người tiêu dùng trong nước hiện nay cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, tính minh bạch của nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, mã số vùng được ví như “tấm vé” thông hành cho nông sản của tỉnh tiêu thụ trong nước và ngoài nước.
Hiện diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh khoảng 250.586ha, cây lâu năm 44.446ha, nuôi thủy sản gần 59.675ha.
Diện tích sản xuất công nghệ cao 26.000ha (trồng trọt 14.000ha, nuôi trồng thủy sản 12.000ha). Tỉnh đã xây dựng được 05 chuỗi liên kết lúa, rau màu, trên 1.000ha; công nhận 214 sản phẩm OCOP (có 03 sản phẩm 5 sao); 42 cơ sở sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Hàng năm, 04 công ty chế biến thủy, hải sản xuất khẩu tham gia xuất khẩu khoảng 5.600 tấn, đạt kim ngạch 65 triệu USD.
Cùng với đó hạ tầng cơ sở ngày càng phát triển, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao,... là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia vào thị trường xuất khẩu
Cơ hội và thách thức đối với sản phẩm của nông dân
Xây dựng mã vùng trong sản xuất nông nghiệp, là cơ hội giúp từng địa phương, từng vùng và người sản xuất hướng tới đảm bảo vùng nguyên liệu an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn của các đối tác trong liên kết, tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Đồng thời, tăng tính minh bạch trong quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Là tỉnh nông nghiệp, đa dạng về các mặt hàng nông - thủy sản. Một số cây trồng, vật nuôi đặc trưng ít nơi nào có được và có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh các cơ hội xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi đưa đến cho sản phẩm của tỉnh với đối tác như: nâng cao chất lượng sản phẩm qua kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, từ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển,... Tạo sự tin tưởng giữa các bên khi tham gia trong chuỗi cung ứng nông sản, từ đó thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ, mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh. Sản phẩm nông sản của tỉnh sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu vì các rào cản thương mại được giảm thiểu; do các yêu cầu, rào cản của nước nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc được đáp ứng. Điều này còn giúp tăng khả năng cạnh tranh, uy tín cho sản phẩm nông sản của tỉnh.
Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: tháng 8/2022 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng (VN.TVOR.0076.LUA.CHINA) cho lúa xuất sang Trung Quốc, diện tích 110ha/144 hộ ở ấp Ngãi Lợi, xã Hưng Mỹ với tổng sản lượng 650 tấn lúa/vụ. Qua hơn 01 năm sản xuất, đã cùng với doanh nghiệp Trung Quốc tiêu thụ trên 80% sản lượng lúa/vụ của nông dân liên kết, tạo ra giá thành ổn định và cao hơn bên ngoài từ 150 - 200 đồng/kg lúa. Đây là “vé thông hành” khá tốt để hợp tác xã trao đổi, hợp tác và liên kết với doanh nghiệp khi đưa sản phẩm (lúa) xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.
Đồng chí Trần Trường Giang, chia sẻ: bên cạnh cơ hội, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như: thị trường quốc tế ngày càng có nhiều rào cản thương mại (khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn xuất khẩu và các chính sách nhập khẩu nông sản…). Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn tự phát, ứng dụng khoa học - kỹ thuật chưa nhiều; chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn để đáp ứng thị trường tiêu thụ; thiếu những sản phẩm công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn rời rạc. Sản phẩm nông sản của tỉnh ít có thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Để phát huy cơ hội và vượt qua thách thức thì hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh trước mắt và lâu dài cần: (1) đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm; (2) minh bạch trong sản xuất; xây dựng thương hiệu bài bản có chiến lược, có trọng điểm phải phát huy được nguồn tài nguyên bản địa; (3) tăng cường hợp tác quốc tế, đàm phán nhằm giảm thiểu các rào cản thương mại; (4) các cấp, ngành và tổ chức, cá nhân tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị.
Theo HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)