“Ăn ong” thời 4.0

12/01/2022 - 09:55

Gác kèo ong, đi “ăn ong” là một trong những nghề rất đặc biệt và mạo hiểm, được truyền từ đời này sang đời khác; trở thành một trong những nét văn hoá đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau). Nặng tình với rừng, một thanh niên ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã mày mò, sáng chế ra chiếc bình hun khói để phục vụ nghề “ăn ong” nhằm bảo vệ rừng trong mùa đi lấy mật.

Đó là anh Huỳnh Duy Thái, Ấp 16, xã Khánh Thuận, huyện U Minh có thâm niên 6 năm đi “ăn ong” bằng phương pháp truyền thống. Gần 2 năm nay, từ khi sáng chế ra chiếc máy hun khói, công việc “ăn ong” của anh đã thuận lợi hơn.

Anh Thái cho biết: “Xem trên mạng thấy người ta sử dụng chiếc bình này thuận tiện nên tôi bắt chước làm theo. Trước đây, tôi cũng am hiểu, đam mê chút chút với đồ điện tử nên mày mò sáng chế. Vào mùa hạn nắng gắt rất dễ cháy rừng nên mình sử dụng máy này, vì nếu cầm đuốc “ăn ong” thì than sẽ rớt ra ngoài, rất dễ gây cháy”.

Anh Huỳnh Duy Thái hàng ngày vẫn mày mò, cải tiến chiếc máy hun khói “ăn ong” của mình để ngày càng hoàn thiện hơn.

Với vật liệu chỉ là một vỏ lon sữa, cùng với động cơ mô-tơ quạt gió nhỏ và mạch sạc biến áp gắn vào chiếc bình ăn ong được bán trên thị trường, anh Thái đã lắp vào và sử dụng nguồn điện sạc. Bình quân mỗi lần sạc sử dụng được 3 tháng, vì một lần ăn ong chiếc máy chỉ hoạt động khoảng 2 phút đã lấy được tổ ong ra ngoài.

Anh Huỳnh Duy Thái thử nghiệm động cơ của bình hun khói trước khi “lên đường ăn ong”

“Chiếc bình ăn ong mua ở thị trường phải bóp bằng tay, còn khi lắp động cơ nhỏ vào mình chỉ gạt “cò” chứ không phải dùng lực tác động nữa nên rất thuận lợi, khói toả ra cũng hơn rất nhiều”, anh Thái cho biết thêm.

Chi phí làm ra chiếc bình hun khói “ăn ong” khoảng 300.000 đồng, theo anh Thái, công đoạn khó nhất là gắn đế của cánh quạt vì tốn rất nhiều thời gian. Trên kênh Youtube mang tên “Săn bắt rừng tràm” của mình, anh Thái hướng dẫn cụ thể, chi tiết hoạt động của chiếc bình hun khói để mọi người cùng làm theo.

Anh Thái bộc bạch: “Qua kênh Youtube, tôi chỉ dẫn tận tình cách làm, cách gắn động cơ. Tôi không làm bán, ai có thắc mắc thì gọi số điện thoại trên màn hình, tôi sẽ hướng dẫn thêm. Qua đây, tôi cũng quảng bá được thương hiệu mật ong rừng U Minh để người dân xa gần tiếp cận”.

Bình hun khói giúp người thợ “ăn ong” tránh được nguy cơ gây cháy rừng, vì than của lá chuối, xơ dừa sẽ được giữ lại trong bình, không bị rớt ra ngoài.

Thời điểm này, khi cây tràm trổ bông, báo hiệu mùa gác kèo ong đã đến. Ðây cũng là mùa mật ong ngon nhất trong năm. Không chỉ là kế sinh nhai, nghề gác kèo ong, đi ăn ong còn là niềm đam mê ăn sâu vào máu thịt của những người con lớn lên trên mảnh đất rừng tràm. Anh Huỳnh Duy Thái cũng vậy, những người sống ở xứ rừng tràm U Minh Hạ luôn nghĩ đến chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ đàn ong như bảo vệ nhà mình; góp phần giữ gìn và phát huy nghề gác kèo ong đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Mỗi ngày anh Huỳnh Duy Thái thu hoạch khoảng 5 lít mật ong nguyên chất

Mật ong của anh Huỳnh Duy Thái được nhiều người biết đến và đặt mua

Theo THẢO MƠ - NHẬT MINH (Báo Cà Mau)