Trải nghiệm âm thanh đàn đá tại Công viên Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
Tại sao là đàn đá? Khi cùng với anh em lãnh đạo TP. Bến Tre bàn việc chỉnh trang khu vực này, chúng tôi có mời nghệ nhân Trương Đình Chiếu. Anh chia sẻ, khi nghiên cứu triển khai công trình đàn đá tại Khu di tích đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định, anh phát hiện ra nhiều điều thú vị, hình như tiếng đàn đá đã động viên và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cô Ba trong thời gian công tác tại chiến khu D, giúp cô vượt qua những thời khắc gian nan của cuộc kháng chiến. Anh cũng tin, có một sự cộng hưởng đặc biệt để gắn kết đàn đá với xứ Dừa. Vì vậy, anh đã quyết định mang đàn đá về tặng Bến Tre.
Với tôi, “công viên đàn đá” là một công trình bảo tồn văn hóa dân tộc, không chỉ được đặt ở “xứ sở của đá”. Khi quyết định đặt ở Bến Tre là chúng ta mong muốn có sự giao lưu về văn hóa và thể nghiệm cái mới trong văn hóa. Điều đó phù hợp với nguyên lý giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, với điều kiện sự giao lưu và thể nghiệm đó không được khiên cưỡng, gượng ép. Phản hồi tích cực từ người dân và dư luận báo chí mấy ngày qua phần nào đã xác nhận điều đó.
Từ câu chuyện “công viên đàn đá”, chúng ta cần suy nghĩ thêm về câu chuyện phát triển địa phương.
Thứ nhất, phải luôn nghĩ và tìm cách để làm cho TP. Bến Tre và cả tỉnh đẹp hơn, có ấn tượng tốt đối với người dân và du khách; chúng ta chưa giàu nhưng phải ngăn nắp, sạch đẹp và có điểm nhấn.
Thứ hai, trong quá trình phát triển, phải luôn tìm kiếm cái mới phù hợp và phải luôn làm mới những việc thường xuyên để thành phố và cả tỉnh luôn năng động, đổi mới với những công trình, giá trị mới.
Cuối cùng là phải lắng nghe ý kiến người dân và nhu cầu cuộc sống để định hướng và thiết kế những chương trình hành động thiết thực vì một Bến Tre đáng sống.
Cung đàn mùa xuân đang thúc giục chúng ta mạnh mẽ hơn, đồng tiến trong hành trình xây dựng Bến Tre văn minh hơn, giàu đẹp hơn.
Theo PHAN VĂN MÃI- Bí thư Tỉnh ủy (Báo Đồng Khởi)