Hậu Giang: Nâng cao giá trị sản xuất từ sản phẩm OCOP

18/11/2024 - 15:42

Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Vị Thanh ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về sản phẩm, đáp ứng các quy chuẩn, an toàn thực phẩm và có thương hiệu trên thị trường.

Ông Lâm Trường Thọ kiểm tra tại vùng trồng của sản phẩm khóm tươi đạt chuẩn OCOP.

Theo UBND thành phố Vị Thanh, thời gian qua, việc lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thành phố thực hiện bằng nhiều hình thức. Từ đó, người dân ngày càng thay đổi nhận thức trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cung, cầu thị trường.

Tận dụng lợi thế sản phẩm đặc trưng của địa phương, các chủ thể OCOP đã phát huy thế mạnh để gắn phát triển văn hóa với kinh tế. Các sản phẩm OCOP hiện nay trên địa bàn thành phố được sản xuất chủ yếu tập trung từ khóm, cá thát lát, khổ qua, gạo, các sản phẩm còn lại được sản xuất từ thịt.

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Thông qua thực hiện chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Nhờ đó, giúp đời sống người dân nông thôn phát triển.

Khóm Cầu Đúc, một sản phẩm khóm tươi của HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến được công nhận sản phẩm OCOP năm 2023. Hiện nay, khóm tươi của HTX đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, góp phần nâng cao đời sống bà con vùng đất phèn chua.

Ông Lâm Trường Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, cho biết: Đến nay diện tích trồng khóm của HTX được 160ha, trong đó trên 20ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, còn lại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để nâng cao giá trị cây khóm, nâng thu nhập cho các thành viên, trong sản xuất HTX luôn chú trọng thực hiện đảm bảo trồng theo tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường khá cao nên người trồng khóm nói chung, các thành viên của HTX nói riêng có thu nhập ổn định. Ngoài khóm trái tươi, để sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp tăng thêm thu nhập cho thành viên, HTX còn chế biến các sản phẩm từ khóm như rượu khóm, mứt khóm, siro, nước màu, dưa chua củ hủ khóm…

Tận dụng lợi thế từ trong sản xuất để phát triển thêm nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường đã được người dân trên địa bàn thành phố Vị Thanh nắm bắt. Bà Trần Thị Kim Hai, chủ cơ sở Vân Lộc, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, chủ động trồng 6 công khóm để phục vụ sản xuất mứt khóm và củ hủ khóm cung ứng cho thị trường mỗi tháng.

Bà Kim Hai chia sẻ: Hiện tại, mỗi tháng cơ sở cung ứng cho thị trường từ 70-80 hộp mứt khóm. Giá khóm tại rẫy hiện nay rất cao, do đó để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng với giá chấp nhận được, cơ sở tự chủ động trong canh tác để có khóm trái làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường với giá không thay đổi so với trước đây. Hiện cơ sở có 3 sản phẩm làm từ khóm là mứt khóm, củ hủ khóm, bánh khóm và các sản phẩm đều được công nhận đạt chuẩn OCOP. Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cơ sở đã tính toán việc sản xuất để có nguyên liệu làm ra sản phẩm cung ứng thị trường và đảm bảo giá cả người tiêu dùng chấp nhận, lợi nhuận thu lại cao hơn việc bán khóm trái tươi tại rẫy. 

Theo bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hậu Giang, ở phường V, thành phố Vị Thanh, đến nay công ty có 15 sản phẩm OCOP được sản xuất từ cá thát lát. Để đa dạng các sản phẩm từ cá thát lát, trong năm 2024, công ty đã làm thêm sản phẩm mới là chả giò cá thát lát. Đặc biệt, công ty còn kết hợp với các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP đến khách hàng và du khách đến Hậu Giang.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, lan tỏa sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Theo chỉ đạo của UBND thành phố, phòng kinh tế tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền người dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác công, tư trong sản xuất hàng hóa, đảm bảo mối liên kết bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Triển khai tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn và phát triển các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP.

Từ đầu năm đến nay, thành phố Vị Thanh có 3 sản phẩm OCOP được công nhận mới. Hiện nay, thành phố có 17 chủ thể với 48 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao. Trong số đó có 11 sản phẩm OCOP được chế biến từ khóm, 9 sản phẩm chế biến từ cá thát lát, 3 sản phẩm chế biến từ gạo...

Theo T.XOÀN (Báo Hậu Giang)