Theo đó, các địa phương vùng ĐBSCL phân bổ gồm: Long An 250 tỉ đồng, Tiền Giang 200 tỉ đồng, Bến Tre 300 tỉ đồng, Trà Vinh 200 tỉ đồng, Vĩnh Long 500 tỉ đồng, Cần Thơ 250 tỉ đồng, Hậu Giang 200 tỉ đồng, Sóc Trăng 300 tỉ đồng, An Giang 250 tỉ đồng, Đồng Tháp 250 tỉ đồng, Kiên Giang 500 tỉ đồng, Bạc Liêu 300 tỉ đồng, Cà Mau 500 tỉ đồng, để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL như đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Sạt lở tại đê biển Đông trên địa bàn tinh Bạc Liêu
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Sạt lở ăn sâu vào khu vực rừng phòng hộ tại Cà Mau
Trong thời gian qua, tình hình sạt lở tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau nói riêng diễn biến phức tạp cả về quy mô, phạm vi và tần suất.
Tại Bạc Liêu, theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu mùa mưa bão năm 2023 đến nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ sạt lở bờ sông, có chiều dài gần 1.000 m, làm 119 căn nhà bị sụp, nứt, thiệt hại trên 10 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất như sạt lở bờ sông Gành Hào (huyện Đông Hải); sạt lở khu vực bờ kênh Bạc Liêu - Cà Mau, bờ kênh 30/4, kênh Quản lộ Giá Rai, kênh Cạnh Đền - Hộ Phòng, kênh Láng Trâm,... (thị xã Gái Rai); đoạn đường sông dẫn vào chùa Hưng Thiện (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi),...
Lãnh đạo các địa phương kiểm tra thực tế hiện trạng sạt lở
Tại Cà Mau, tính riêng trong năm 2023, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở trong thời gian dài đã qua, làm cho nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, lở hàm ếch vào phía trong.
Đặc biệt, trong mùa mưa bão hiện nay, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn, đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài hơn 29km.
Cụ thể, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn cửa biển Hốc Năng (dài 2,5km); kênh Năm đến kênh Chùm Gọng (dài 4,1km; kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy (dài hơn 7,1km); Kiến Vàng đến Ông Tà (dài 6,4km); cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3, dài 1km); Hố Gùi đến Bồ Đề (dài 8km).
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Tình trạng sạt lở tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Cà Mau. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Đầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở.
Đồng thời, đề nghị các địa phương bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; cấm mọi tác động vào các khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.
Có thể nói, cái khó của Bạc Liêu và Cà Mau trong thời gian qua là thiếu vốn để triển khai công tác phòng chống sạt lở. Do đó, việc được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định bổ sung nguồn vốn hỗ trợ công tác phòng chống sạt lở là điều kiện để 2 tỉnh thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án lớn, trọng điểm, bài bản để vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển, phát triển được quỹ đất, không gian phát triển mới. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống sạt lở trong thời gian tới.
Theo TRẦN AN (Công lý)