Bánh tráng Cù lao Mây vào vụ tết

05/02/2018 - 14:56

Mỗi dịp tết đến xuân về, không khí ở các làng nghề nhộn nhịp hẳn. Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) cũng vậy. Bà con ở đây cũng tất bật, hối hả làm bánh phục vụ tết…

Bánh tráng Cù lao Mây vào vụ tết

Đón thị trường tết, các lò bánh tráng đã tất bật từ đầu tháng 11 âl.

Bánh tráng vào vụ

Vào những ngày này, đi dọc theo con đường nhựa ở Cù Lao Mây chúng ta sẽ thấy cảnh người dân phơi bánh khắp mọi nơi, còn trong nhà, người người nhộn nhịp đổ bột, tráng bánh,…

Đang phơi bánh, bà Nguyễn Thị Hằng (ấp Tân Thạnh) cho biết: “Ngày thường 5 giờ sáng bắt đầu tráng bánh, còn bây giờ thì 3 giờ khuya bắt đầu tráng rồi.

Mấy ngày này làm hết công suất, số lượng bánh gấp 2- 3 lần ngày thường mới đủ số để giao cho khách”. Theo bà Hằng, cứ trung bình mỗi ngày làm khoảng 20kg bột thì sẽ được 400- 500 cái bánh.

“Nhờ được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho hợp tác xã nên bà con làng nghề cũng đỡ vất vả, lại có đồng vô đồng ra đều đều nếu như làm quanh năm. Bánh có thương hiệu riêng rồi nên thị trường rộng hơn trước”- bà Bé Tư (ấp Tân Thạnh) phấn khởi nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi hộ làm từ 500- 800 bánh/ngày tùy theo thời tiết. Ngày thường cũng như ngày tết, người làm bánh tráng theo đơn đặt hàng hoặc bán cho đầu mối, các chợ.

Sản phẩm từ làng nghề rất đa dạng, gồm: bánh tráng nhúng, bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng tôm khô, bánh tráng lá dứa,…

Trong số mỗi loại bánh trên, có hộ còn sáng tạo ra các loại bánh khác nhau chút ít, phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Bánh tráng Cù lao Mây vào vụ tết

Để có đủ bánh giao cho khách, các hộ tráng bánh phải bắt đầu làm việc từ 2- 3 giờ khuya. Làm nghề suốt hơn 20 năm, cô Bé Tư đang tìm người kế nghiệp.

Tận dụng vụ bánh tráng tết, nhiều lao động tại địa phương đã “tăng tốc” làm việc để thêm thu nhập. Là người gắn bó với việc phơi bánh hơn chục năm nay, chị Phạm Thị Thủy vui vẻ cho hay, nhà chị chỉ có 1 công đất trồng nhãn, chồng chị thì làm thợ hồ.

“Tiền chi tiêu trong gia đình hàng ngày đều phụ thuộc vào công việc phơi bánh. Tôi làm thường xuyên,  thường thì kiếm khoảng 70.000 đ/ngày, còn tết thì 150.000 đ/ngày”- chị Thủy bộc bạch.

Nắng ít, đặc sản được giá

Hiện làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây vẫn giữ cách làm bánh thủ công và phơi bằng ánh nắng mặt trời, chỉ có công đoạn cắt, hút chân không là có máy hỗ trợ.

“Vì vậy giá bánh tráng cũng tăng lên đáng kể do thời tiết xấu, mưa nhiều mà nhu cầu khách lại tăng”- ông Lương Văn Thông- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX bánh tráng Cù Lao Mây cho biết.

Cụ thể, bánh tráng ngọt có giá 35.000 đ/chục, bánh tráng nướng 75.000 đ/chục, bánh tráng tôm khô 150.000 đ/chục,....

Bánh tráng Cù lao Mây vào vụ tết

Bánh tráng đã đem đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con làng nghề.

Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây có 60 hộ, trong đó, có 35 hộ trong hợp tác xã, làm thường xuyên. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX bánh tráng Cù Lao Mây- Lương Văn Thông, từ khi xây dựng thương hiệu và giữ uy tín chất lượng, bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bánh tráng Cù Lao Mây đã vươn xa khắp mọi miền đất nước, thậm chí còn được một số Việt kiều đặt mua, góp phần đem đến cuộc sống ổn định cho bà con làng nghề.

Tuy nhiên, do thời tiết thất thường nên sản lượng bánh bị giới hạn, trong khi đơn đặt hàng thì “quá tải”. “Nói chung mấy năm trở lại đây tết là người ta đặt hàng dữ lắm, mà gần tết quá là không dám nhận đơn nữa, sợ làm không kịp.

Trời nắng tốt thì khỏe lắm, nhà tôi làm cũng được 800.000 bánh/ngày. Còn nắng ít là làm cỡ 400 bánh/ngày mà mưa là nghỉ luôn.

Nếu có cách để làm khô bánh mà không phải trông trời nắng thì chắc chắn sản lượng sẽ nhiều hơn. Chứ bánh tết mà mới ngày 15/12 (âl) hết dám nhận thêm đơn đặt hàng, từ chối khách cũng tiếc lắm.

Phía các cơ quan chức năng kêu gọi làm lò sấy bánh tráng, hỗ trợ 30% cho hợp tác xã, tôi đang tìm hiểu trên mạng, định tham quan học hỏi vài mô hình nhà sấy bánh tráng rồi thì mới tính tiếp”- ông Lương Văn Thông cho biết thêm.

Theo THẾ NGỌC (Báo Vĩnh Long)