Bảo tồn, phát huy giá trị Hội đua bò Bảy Núi

09/03/2020 - 08:41

 - Là hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, Hội đua bò Bảy Núi từ lâu đã nhận được sự quan tâm của khán giả cả nước. Hiện nay, các địa phương và ngành chuyên môn đang từng bước nâng chất loại hình thể thao đậm tính văn hóa này nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống độc đáo của vùng Bảy Núi (An Giang).

Trong những ngày Dolta đầm ấm của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi, khán giả khắp nơi nô nức kéo nhau về đây để xem hội đua bò. Với đồng bào DTTS Khmer, đua bò đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu nhằm nhắc nhở về cuộc sống cần lao đầy hy vọng cũng như tưởng nhớ về tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn đối với đất trời đã mang đến những vụ mùa bội thu.

Những người Khmer cao niên cho biết, hoạt động đua bò xuất phát từ việc đồng bào thường đến chùa để cày ruộng cho các sư trước mùa cấy.

Để động viên nhau, người ta tổ chức đua bò để quên đi mệt nhọc và sớm hoàn thành công việc. Phần thưởng lúc đầu chỉ là đòn bánh tét hay đoạn dây bừa mới, dần dần hoạt động đua bò đã trở thành sân chơi phổ biến trong đồng bào DTTS Khmer.

Đến năm 1992, hoạt động này chính thức trở thành sân chơi thể thao đặc trưng của tỉnh và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả cả nước.

Cũng từ đây, Hội đua bò Bảy Núi được 2 huyện có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống là Tịnh Biên, Tri Tôn luân phiên tổ chức với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang.

Đua bò mang vẻ đẹp văn hóa độc đáo của vùng Bảy Núi

Đến với Hội đua bò, khán giả sẽ được đắm chìm trong không gian của ngày hội thực sự. Không khí trên sân đua vô cùng hấp dẫn với những cú “bứt tốc” ngoạn mục của các đôi bò trong làn nước bắn tung tóe.

Đã hơn 26 năm, Hội đua bò Bảy Núi trở thành hoạt động văn hóa - thể thao không thể thiếu của người dân vùng Thất Sơn hùng vĩ này. Hàng năm, Hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang luôn được tiếp sóng trên nhiều kênh của các đài truyền hình trong khu vực. Đây là điểm nhấn, góp phần đưa bộ môn thể thao đặc sắc này vươn mình đến với khán giả khắp nơi.

Vì nhận được sự quan tâm của khán giả cả nước, nên đua bò Bảy Núi đã vinh dự được góp mặt trong sự kiện Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2013 tại Hà Nội. Năm ấy, 6 đôi bò từ An Giang ra đến Hà Nội để biểu diễn cho khán giả đất Bắc hiểu thêm về nét đẹp độc đáo của loại hình thể thao này.

Ông Nguyễn Văn Xưa (Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tịnh Biên), cũng có mặt trong đoàn đại biểu An Giang thời điểm đó đã không thể quên sự cuồng nhiệt, phấn khích của khán giả Hà Nội khi được trực tiếp chứng kiến cảnh những đôi bò tranh tài quyết liệt.

Hiện nay, đua bò Bảy Núi dù đã quen thuộc với khán giả nhưng vẫn giữ được tính hấp dẫn vốn có của nó. Mỗi một chặng đua là màn đấu tốc độ, đấu sức bền của các đôi bò cũng như quá trình đấu trí và sự dũng cảm của các “nài” bò.

Với cự ly thi đấu mỗi chặng đua khoảng 400m, các đôi bò có thể tạo ra vô số tình huống hấp dẫn, từ những màn “nước rút” ấn tượng, những cú “dặm bừa” ngoạn mục luôn khiến cho khán giả đứng ngồi không yên.

Bởi yếu tố truyền thống và tính hấp dẫn riêng biệt, Hội đua bò Bảy Núi đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Đó là niềm tự hào cho đất và người An Giang, nơi sở hữu môn thể thao hấp dẫn này.

Biểu tượng đua bò của huyện Tri Tôn

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo này, các huyện thuộc vùng Bảy Núi đã và đang xây dựng biểu tượng cho môn đua bò. UBND huyện Tri Tôn đã tiến hành xây dựng đôi bò và người điều khiển có kích thước như thật tại ngã ba khu vực sân đua bò huyện Tri Tôn và đường vào hồ Soài Chék (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô).

Trong khi đó, huyện Tịnh Biên đang tiến hành các bước cần thiết để xây dựng bức phù điêu đua bò đặt tại ngã ba thị trấn Nhà Bàng. Đây là nỗ lực của các địa phương nhằm tạo điểm nhấn cho người dân và du khách về môn đua bò khi đến với miền Thất Sơn.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương đã giúp cho đua bò Bảy Núi trở nên phổ biến, hấp dẫn hơn đối với khán giả cả nước. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất để bộ môn thể thao này tiếp cận với nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Đồng thời, giữ được nét đẹp vốn có cùng không khí vui tươi, tô điểm cho mùa Dolta của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi càng thêm đầm ấm, vui tươi.

THANH TIẾN