Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trang phục truyền thống các DTTS đã và đang biến dạng, mất gốc, thậm chí được thay đổi bằng các trang phục mới. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trang phục truyền thống các DTTS sẽ mất đi. Chính vì thế, lần đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện đề án với các giải pháp toàn diện, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về công tác bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2019-2025, phấn đấu đến năm 2021, hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của 3 DTTS. Lập ít nhất một hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các DTTS của tỉnh trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vinh danh nghệ nhân nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục. Tổ chức tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống, kỹ năng làm nghề truyền thống liên quan đến trang phục của đồng bào DTTS trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Duy trì, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện và khuyến khích công chức, viên chức là người DTTS tại các cơ quan, đơn vị các cấp mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết, sự kiện quan trọng. Tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Định kỳ hàng năm tổ chức hội thi trang phục truyền thống các DTTS, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa của địa phương. Hỗ trợ giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các khu, điểm du lịch, tham quan trên địa bàn tỉnh.
Điệu múa trong trang phục truyền thống cô gái Chăm.
Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các DTTS của tỉnh trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân trong nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống của các DTTS. Tập huấn bảo tồn, trang phục truyền thống; triển khai mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết, sự kiện quan trọng. Tuyên truyền, hỗ trợ giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống...
8 nhiệm vụ chủ yếu để tỉnh thực hiện từ nay đến năm 2030 là tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng trang phục truyền thống trong cộng đồng các DTTS tại An Giang. Bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của đồng bào DTTS. Tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào DTTS. Định kỳ tổ chức hội thi, liên hoan trang phục, trình diễn trang phục truyền thống các DTTS và người đẹp các DTTS... Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 9,6 tỷ đồng (từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa). UBND tỉnh giao các sở, ngành, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện.
Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, Sở VH-TT&DL sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng, tổng hợp dự toán kinh phí, trình UBND tỉnh gửi Bộ VH-TT&DL tổng hợp, hỗ trợ cho địa phương. Chủ trì phối hợp khảo sát, sưu tầm, quảng bá và lưu giữ, khai thác nét văn hóa độc đáo của trang phục truyền thống.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU