Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc Khmer Nam bộ

30/08/2019 - 14:30

Ngày 30-8, tại Trà Vinh diễn ra hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ – Thực trạng và giải pháp”, lãnh đạo Sở VH-TT-DL các tỉnh ĐBSCL, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ sĩ, nghệ nhân… cùng tham dự.

Quang cảnh hội thảo vào sáng 30- 8 tại Trà Vinh 

 PGS – TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhận định: Người Khmer ở Nam bộ đã tạo dựng một nền văn hóa – nghệ thuật dân gian độc đáo và đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Trong đó, âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ gắn bó mật thiết với nhịp sống đời thường, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các lễ hội truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc cưới, múa trống Sa dam, hát A day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru... Có thể nói, âm nhạc dân gian của người Khmer Nam bộ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa – nghệ thuật Việt Nam.

Ông Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng cho rằng, dân tộc Khmer Nam bộ hiện nay đã và đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá do tổ tiên để lại, đó là kho tàng nhạc khí dân gian rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Kho tàng nhạc khí dân gian Khmer Nam bộ mang tính đặc trưng, tiêu biểu trong nền văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL.

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam bộ 

Tuy nhiên, trước sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa dẫn tới những thay đổi thị hiếu của người dân, cộng với tác động của các thể loại âm nhạc khác. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ thời gian qua chủ yếu được thực hiện theo hướng tự phát; các hình thức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, đào tạo cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Soạn giả Thạch Mu Ni, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh trăn trở: “Các dòng nhạc A rắc, Rô băm, À day, hát ru, Chầm riêng Chà pây… đã và đang mai một, thậm chí nhiều ca khúc không ai còn nhớ. Có nhiều nguyên nhân như người dân ít có nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ, không được ký âm lưu giữ, thiếu đơn vị nghiên cứu bảo tồn và phát triển, đội ngũ nhạc sĩ là người dân tộc Khmer được đào tạo chính quy rất ít…”.

Biểu diễn múa Khmer Nam bộ 

Từ những cái khó trên, các nhà chuyên môn đề xuất, cần đánh giá lại những thành tựu, hạn chế trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ một cách khách quan, khoa học; lý giải một cách thấu đáo nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế. Qua đó, làm rõ hiệu quả của các hình thức bảo tồn và phát huy trong thời gian qua; những hình thức nào hiệu quả cần tiếp tục phát huy, hình thức chưa hiệu quả cần phải thay đổi, điều chỉnh. Trên cơ sở xác định đúng thành tựu, hạn chế; quan điểm trong việc kế thừa giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ, cần xác định các nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ một cách hiệu quả nhất.

Theo SGGP