Thu hoạch nghêu tại Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận (Bình Đại).
Giá các loại nhuyễn thể không quá cao nên phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng, giá có xu hướng tăng dần nhưng mức tăng chậm. Nhìn chung, biến động giá không lớn nên ít có tác động làm thay đổi lượng cầu cũng như thói quen tiêu dùng thực phẩm của người tiêu dùng và nhu cầu các mặt hàng nhuyễn thể có xu hướng ổn định hơn so với các loại thủy sản khác.
Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu nhuyễn thể sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, đòi hỏi những nước xuất khẩu đảm bảo được điều kiện an toàn vệ sinh từ vùng nuôi đến thành phẩm xuất khẩu cuối cùng đó là việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Do vậy, việc định hướng phát triển nghề nghêu đối với Bến Tre là rất quan trọng, nhất là sau khi được chứng nhận MSC lần thứ 3. Ngành nông nghiệp chủ động có các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để tiếp tục duy trì và phát triển chứng nhận MSC con nghêu trên địa bàn tỉnh. Củng cố, cải tiến và phát triển ổn định mô hình hợp tác xã (HTX) nghêu hiện có trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý và tổ chức sản xuất cho phù hợp thực tế. Bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, quy hoạch khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên hiện có. Hình thành và thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển phát triển thương hiệu MSC đối với con nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết, về các giải pháp duy trì chứng nhận tiêu chuẩn MSC phát triển nghêu bền vững, trước hết là thực hiện tốt 3 nguyên tắc theo Bộ tiêu chí của tiêu chuẩn MSC, bao gồm: khai thác phải mang tính bền vững; khai thác đảm bảo không ảnh hưởng đến cấu trúc thể, thành phần loài trên bãi nghêu; hệ thống quản lý đảm bảo theo quy định của địa phương và quốc gia. Để đạt được các kết quả trên, cần sự huy động nguồn lực của các HTX nghêu trên địa tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ngành có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá thường niên và đánh giá định kỳ đối với nghề quản lý, khai thác nghêu. Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chí của MSC. Thực hiện nghiêm quy định về khai thác nghêu cám, bảo vệ, phát triển giống bố mẹ nhằm bảo tồn nguồn giống nghêu tự nhiên. Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nghêu và nuôi thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các vùng nuôi thủy sản bên trong (điển hình là vùng nuôi tôm) để giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến vùng nuôi và khai thác nghêu ven bờ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tất cả các vùng nuôi nghêu tập trung đều được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực các THX nghêu trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất nhằm đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Đẩy mạnh tổ chức tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho xã viên HTX về tầm quan trọng của tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường vùng nghêu, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để khuyến cáo cho các HTX. Nghề nghêu Bến Tre đã được cấp chứng nhận MSC, đây là một ưu thế lớn; vì vậy tiếp tục công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại nhằm khai thác lợi thế đó để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo H. PHƯƠNG (Báo Đồng Khởi)