Bến Tre: Hơn 30 năm phục chế mô hình chứng tích chiến tranh

27/04/2020 - 10:16

Như một “bảo tàng mi ni” với hàng trăm mô hình các loại (nhiều nhất là tàu thuyền), ngôi nhà của Nghệ nhân Nguyễn Văn Léo, ngụ ở ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) trong nhiều năm qua đã thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Từ kinh nghiệm bản thân và nghiên cứu, ông đã sáng tạo nên các mẫu vật.

Ông Ba Léo (Thới Thuận - Bình Đại) giới thiệu một mô hình tàu trong kháng chiến của Việt Nam.

Tài công đầy tâm huyết

 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Léo (người dân địa phương thường gọi là ông Ba Léo) vẫn miệt mài đục đẽo mô hình như ngày đầu mới bắt tay vào làm cách đây hơn 30 năm. Khi được hỏi về “duyên cơ” với bộ sưu tập, ông hào hứng kể lại: Từ nhỏ, ông đã được theo cha làm nghề biển. Tuổi thơ của ông gắn liền với những chuyến tàu vượt trùng khơi đánh bắt thủy sản. Sau đó, ông nối nghiệp cha. Mấy mươi năm làm tài công cho những chuyến tàu khai thác thủy sản ở nhiều vùng biển, từ Bình Đại (Bến Tre) đến Phan Thiết và tận ranh giới Campuchia cùng nhiều vùng biển Nam Bộ, ông Ba Léo gần như “nằm lòng” những con tàu và đời sống ngư dân.

Năm 1989, ông bắt đầu quyết định bắt tay vào làm những mô hình tàu thuyền và ngư cụ bằng chất liệu gỗ (cùng một số phụ kiện khác) để tái hiện lại những con tàu qua nhiều thời kỳ trên sông nước Việt Nam. Từ những mô hình con tàu, ngư cụ đầu tiên, dần dần ông phát triển thêm nhiều mô hình khác: máy bay, đồ chơi tuổi thơ ngày trước, hầm bí mật của ta thời kháng chiến, mô hình nhà xưa…

Theo ông, ngày nay, đất nước phát triển, nghề đánh bắt thủy sản có nhiều máy móc, dụng cụ hiện đại, còn trước kia chỉ là dụng cụ thô sơ tự chế nhưng bằng kinh nghiệm ngư dân nên hiệu quả đánh bắt khá cao. Tàu và ngư cụ ngày xưa thô sơ nhưng cũng có phần độc đáo. Đến nay, bộ sưu tập của ông đã có hơn 450 mô hình được sắp xếp theo các chủ đề riêng như: các phương tiện sinh hoạt của quân dân Đồng khởi trong chiến đấu (vũ khí, nhà hội họp, khăn rằn, tầm vông, mõ tre…), phương tiện vận chuyển hành khách các loại (máy bay, tàu, ghe xuồng, hạm đội), phương tiện chiến đấu của Hải quân Việt Nam, dụng cụ đánh bắt thủy sản của Nam Bộ, máy bay, tàu chiến của Mỹ…

Năm 2010, ông đã được xác lập kỷ lục Việt Nam với bộ sưu tập mô hình tàu thuyền khai thác thủy sản và đường sông nhiều nhất (khi ấy ông có khoảng gần 200 mô hình). Điều thú vị là ông không hề học qua nghề thợ mộc. Tất cả ông đều tự mày mò, tìm hiểu và học hỏi qua các tư liệu, sách báo. Ông cho biết, có cái chỉ mất một vài ngày nhưng cũng có những mô hình phải mất từ 2 - 3 năm mới hoàn chỉnh. Theo ông, chế tác giống nguyên bản là không khó, điều quan trọng là mình phải nắm chắc một số điều như: hình dáng, đặc điểm riêng của vật dụng cụ thời kỳ đó, các thông số kỹ thuật…

Tìm tư liệu và nhân chứng lịch sử

Không chỉ có ngư trường, ông còn quan tâm đến chủ đề chiến tranh. Bởi ký ức đau thương của một vùng quê bị giặc đánh phá vẫn còn hiện hữu trong ông đến tận bây giờ. Dù thời điểm ấy, ông chỉ là một thiếu niên 14, 15 tuổi. Hầm bí mật là một phương tiện ẩn nấp tránh giặc thời bấy giờ của cán bộ và nhân dân ta. Không chỉ tìm hiểu qua tư liệu, ông Ba Léo còn đi tìm nhân chứng lịch sử là bà Nguyễn Thị Kỳ, sinh năm 1932, là người xã Thới Thuận, huyện Bình Đại để nghe bà kể lại và hướng dẫn ông phục chế mô hình hầm bí mật xưa của người dân địa phương.

Ông Ba Léo giới thiệu các mô hình tàu hải quân Việt Nam.

Để có thể phục chế mô hình chính xác với hình ảnh xưa, ông đã lặn lội đi tìm hiểu ở nhiều bảo tàng các tỉnh, trong đó có Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh. Hiện ông có nhiều mô hình về đề tài chiến tranh như: vũ khí của ta, hầm bí mật của cán bộ cách mạng và nhân dân ta, một số tàu thuyền đã từng được sử dụng trong kháng chiến… Ông từng hỗ trợ cho Bảo tàng Bến Tre mượn một số mô hình để trưng bày trong một số cuộc triển lãm.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi, ông đã sắp xếp, trưng bày tại nhà bộ sưu tập riêng mô hình phục chế những dụng cụ kháng chiến trong giai đoạn Đồng khởi Bến Tre, và được treo, trưng bày ở vị trí trang trọng nhất. Ngôi nhà nhỏ của ông hiện đang được mở rộng thêm một căn để có thêm không gian trưng bày khi mà “bảo tàng mô hình” của ông đã nhiều lên về số lượng.

Thời gian qua, nơi đây ông cũng đón tiếp, phục vụ tham quan, tìm hiểu cho nhiều thành phần như: những người nghiên cứu về lịch sử, các nhà di sản văn hóa ở các tỉnh, các bạn trẻ thanh niên, học sinh và nhiều du khách khác. Ông không đặt nặng kinh doanh, nhưng nếu ai có thích và đặt mẫu nào, ông sẽ làm mẫu đó bán lại. Đã có người hỏi mua bộ sưu tập của ông với giá khá cao nhưng ông đã thẳng thừng từ chối. “Tôi làm vì đam mê, mong muốn lưu giữ lại những hình ảnh của thời kỳ kháng chiến gian khổ của quê hương mình, những hình ảnh tàu thuyền xưa, những nét văn hóa xưa và trưng bày cho mọi người chiêm ngưỡng”, ông Ba Léo chia sẻ.

Thông qua các mô hình, người thưởng lãm có thể cảm nhận được tình cảm của người chế tác với quê hương. Ngày ấy, dù phương tiện chiến tranh của giặc hiện đại hơn quân ta rất nhiều, nhưng bằng lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quân ta dù chỉ với vũ khí thô sơ cũng đã đánh bại chúng, giành độc lập, tự do cho quê hương.

Với dụng cụ ngư trường, ông Ba Léo muốn tôn vinh những cái hay và độc đáo của nghề đánh bắt thủy sản xưa. Đồng thời, ông cũng muốn gửi gắm cả tình cảm đến vùng trời, vùng biển quê hương Việt Nam, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng là trách nhiệm của ngư dân và mọi người.

“Nếu được xem xét để phát triển thành một địa điểm tham quan gắn với các tour tuyến du lịch của huyện thì cũng là mong muốn của tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn giới thiệu bộ sưu tập của mình đến nhiều người nên rất cần sự quan tâm, hướng dẫn thêm từ cơ quan chức năng trong việc mở rộng hoạt động trưng bày và các hoạt động giới thiệu”, ông Ba Léo bày tỏ.

 

Theo ÁNH NGUYỆT (Báo Đồng Khởi)