Thầy Huỳnh Văn Bình thường xuyên chăm sóc, theo dõi sự phát triển của lươn thương phẩm.
Năm 2002, thầy Bình vừa dạy học vừa nuôi trăn để cải thiện thu nhập cho gia đình, đến cuối năm 2014, thầy chuyển sang nuôi lươn. Những năm gần đây, lợi nhuận từ mô hình này đạt hơn 110 triệu đồng/tháng. Thầy Bình nhớ lại: “Năm 2002, tôi nuôi trăn có đăng ký với Kiểm lâm tỉnh. Qua thời gian, thấy nuôi trăn lợi nhuận không cao tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi cách nuôi lươn. Tôi bắt gom được 10 con lươn rồi cho ăn bằng ruột vịt, ruột gà thuần dưỡng thành lươn bố mẹ. Sau đó, lươn đẻ trứng và ấp bằng thủ công cho ra lươn bột, rồi lên lươn giống để nuôi lươn thịt và lươn bố mẹ. Gần 2 năm trời nuôi lươn với không ít thất bại, cuối cùng tôi cũng thành công. Hiện mỗi tháng, tôi bán khoảng 100 ngàn con lươn giống cho khách hàng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và khoảng 500kg lươn thịt cho khách hàng ở miền Nam, trừ các chi phí, lợi nhuận hơn 110 triệu đồng/tháng. Tôi đang mở rộng thêm 200m2 bể để nuôi lươn giống. Sản lượng lươn giống dự kiến khoảng 200 ngàn con/tháng”.
Theo thầy Bình, nước lợ nuôi lươn là rất tốt, độ pH trong nước từ 6,5 - 8 là thích hợp. Trong bể nuôi lươn bố mẹ, thầy thường xuyên nuôi luân phiên 6.000 con (tổng trọng lượng khoảng 1 tấn). “Tôi tuyển lươn bố mẹ nào hơn 300g/con thì chuyển vào bể nuôi lươn thịt (giá bán trung bình 120 ngàn đồng/kg). Muốn nuôi lươn giống thì phải cho lươn mẹ đẻ với nhiệt độ nước từ 23 - 27oC. Dùng vợt vớt trứng lươn cho vào máy ấp, tỷ lệ nở 80 - 95% là đạt yêu cầu. Trứng lươn nở ra sau 144 giờ có chiều dài thân từ 16 - 33mm (gọi là lươn bột). Từ lươn bột nuôi 60 ngày trở thành lươn giống dài khoảng 8cm với giá bán từ 2 - 3 ngàn đồng/con để nuôi thành lươn thịt hoặc lươn bố mẹ. Trong khai nuôi lươn bột lên lươn giống nên có chùm dây nylon (bản rộng 0,6 - 1cm và dài khoảng 4cm) làm nơi trú ngụ cho lươn. Thức ăn cho lươn giống là thức ăn bột (viên nhỏ), lúc lươn mới nở 50 ngàn con ăn hết 50g thức ăn/ngày. Cho ăn phải đúng giờ và lượng thức ăn ngày càng tăng dần. Còn muốn nuôi lươn thịt thì chọn lươn giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, có màu vàng đặc trưng của lươn. Mật độ nuôi khoảng 45 con/1m2 là vừa. Trước khi nuôi lươn thịt phải cho lươn giống vào bể nuôi, tắm qua dung dịch nước muối nồng độ 2 - 3 ‰ từ 1 - 2 phút. Nếu phát hiện những con bị bệnh hay yếu, lờ đờ, xây xát thì phải loại ra ngay”, thầy Bình cho biết.
Cũng theo kinh nghiệm của thầy Bình, trong giai đoạn nuôi nên thay nước toàn bộ hàng ngày và vệ sinh bể nuôi để kích thích lươn ăn mồi. Thay 100% lượng nước trong bể trước hoặc sau khi cho ăn từ 1 - 2 giờ, từ 1 - 2 lần/ngày. Nếu nuôi mật độ dày, nên thay nước mỗi ngày 2 lần; còn nuôi mật độ thưa thì 1 ngày thay nước 1 lần. Nuôi từ 8 - 10 tháng thì đạt lươn thịt từ 150 - 250g trở lên/con.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh Tây Nguyễn Tấn Huỳnh phấn khởi: “Hiện nay, thầy Bình là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Mỏ Cày Bắc. Tại xã Tân Thanh Tây có 13 hộ nông dân nhân rộng mô hình nuôi lươn giống và lươn thịt như thầy Bình rất thành công (mỗi tháng thu lợi nhuận từ bán lươn hơn 7 triệu đồng/hộ). Thầy Bình còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong xã nuôi lươn của thầy”.
Theo HOÀNG VŨ (Báo Đồng Khởi)