Ngư dân Bến Tre thả nuôi nghêu giống trên bãi bồi.
Cơ hội lớn từ MSC
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu đối với nhuyễn thể tại thị trường EU đang có xu hướng hồi phục sau lạm phát. Bên cạnh đó, việc nghêu Bến Tre tiếp tục được chứng nhận MSC sẽ là cơ hội cho nghêu Việt Nam nói chung và nghêu Bến Tre nói riêng gia tăng xuất khẩu sang thị trường này. Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị về lợi thế từ chứng nhận MSC, ông Võ Thành Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Trường Phát (Bến Tre), chia sẻ: “Cái lợi của chứng nhận MSC là việc tiêu thụ rất dễ dàng do có rất nhiều khách hàng tìm mua nghêu đạt chứng nhận MSC. Cho nên, có chứng nhận MSC cũng đồng nghĩa với cơ hội bán hàng của doanh nghiệp sẽ tăng lên, sản lượng tiêu thụ sẽ tốt hơn”.
Cũng theo ông Hiệp, thị trường đang có nhu cầu nhập khẩu nghêu đạt chứng nhận MSC rất lớn, nên nghề nghêu Bến Tre sẽ có lợi thế trong cạnh tranh nhờ mới được tái chứng nhận này. Hay nói một cách khác là tốc độ tăng trưởng của nghề nghêu Bến Tre sẽ gia tăng mạnh mẽ sau thời gian giảm tốc do tác động của dịch COVID-19 làm gián đoạn việc tái chứng nhận MSC. Ông Hiệp chia sẻ thêm: “Do giá nghêu không quá cao, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng nên nhu cầu tiêu thụ nghêu, đặc biệt là nghêu có chứng nhận MSC là rất ổn định. Do đó, với lợi thế được tái chứng nhận lần 3 này, tôi tin tưởng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nghêu trong năm 2024 của Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2023”. Thực tế cho thấy, sau khi sụt giảm liên tục từ năm 2023 đến hết quý I-2024, xuất khẩu nghêu của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng có xu hướng tăng trở lại từ quý II-2024, nhất là tại thị trường châu Âu.
Vẫn còn thiếu một thương hiệu
Tuy cơ hội bán hàng và sản lượng tiêu thụ sẽ tốt hơn, nhưng giá trị xuất khẩu theo ông Hiệp thì lại không tăng tương xứng. Ông Hiệp hạch toán: “Thực ra, giá trị nghêu đạt chứng nhận MSC có giá bán không cao hơn nghêu không có chứng nhận MSC là bao nhiêu. Theo tính toán của tôi, mức chênh lệch này chỉ vừa đủ để doanh nghiệp bù đắp vào chi phí hỗ trợ cho việc duy trì và tái chứng nhận MSC”. Giải thích thêm về điều này theo ông Hiệp là do con nghêu của mình chưa có thương hiệu, nên khi xuất khẩu đều mang thương hiệu của nhà nhập khẩu hoặc nhà bán lẻ. Ðiều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất nghêu bị thiệt thòi rất nhiều. “Nếu có thương hiệu nghêu Việt Nam trên kệ hàng bán lẻ nước ngoài, tôi tin chắc rằng, thành công của nghề nghêu sẽ còn lớn hơn nhiều so với hiện nay”, ông Hiệp ao ước.
Bến Tre có diện tích nuôi nghêu tiềm năng lên đến 7.164ha, trải dài trên 65km bờ biển thuộc 3 huyện: Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú. Trong đó, có 4.200ha đã được đưa vào khai thác, gồm: 3.707ha nuôi nghêu thương phẩm và 493ha xuất hiện nghêu giống được bảo vệ và khai thác theo hướng bền vững. Hiện có 7 HTX và các tập đoàn nghêu với trên 20.000 xã viên đang quản lý, khai thác số diện tích trên, với sản lượng năm 2023 là 8.636 tấn, giá trị ước tính trên 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, dù đã được chỉ dẫn địa lý trên toàn cầu nhưng con nghêu Bến Tre đến nay vẫn chưa có thương hiệu. Chia sẻ khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, ông Hiệp cho biết thêm: “Việc xây dựng thương hiệu cho nghêu Bến Tre nói riêng và nghêu Việt Nam nói chung tại các thị trường xuất khẩu là công việc chính của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn doanh nghiệp không đủ nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc này. Vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương để con nghêu Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung sớm có được thương hiệu trên thị trường thế giới”.
Luôn tuân thủ tiêu chí MSC
Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tâm, cho biết quá trình khai thác nghêu thương phẩm HTX luôn tuân thủ đúng quy trình đề ra về tính thủ công, cộng đồng và bền vững. HTX có quy hoạch và phương án bảo vệ khu bảo tồn nghêu bố mẹ nhằm duy trì nguồn giống sinh sản tự nhiên, giúp duy trì sản xuất. Ông Tài chia sẻ: “Từ năm 2015-2023 HTX đã khai thác hơn 5.000 tấn nghêu thương phẩm với giá trị gần 126 tỉ đồng. Việc phát triển nguồn nghêu tự nhiên cũng giúp đa dạng hệ sinh thái, nhiều quần thể sinh vật phụ trợ phát triển, nhất là ốc mỡ, ốc bông, cá… góp phần tạo sinh kế cho người dân ven biển và việc khai thác này cũng hoàn toàn thủ công đảm bảo khả năng tái tạo và duy trì sản xuất lâu dài”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, giải pháp duy trì chứng nhận MSC nghề nghêu cho những năm tiếp theo là đảm bảo tuân thủ đúng 3 nguyên tắc chính của Bộ tiêu chí đánh giá của MSC. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên theo dõi và giám sát lấy mẫu về sản lượng nghêu thương phẩm, giống, bố, mẹ, các loài thứ cấp theo định kỳ, nhằm xây dựng kế hoạch, chiến lược để khai thác và bảo vệ nguồn lợi nghêu hợp lý. Là người đồng hành cùng nghề nghêu Bến Tre ngay từ những ngày đầu, bà Trần Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng nông ngư nghiệp Việt Nam (FACOD), đề xuất: “Xây dựng chuỗi liên kết giá trị bền vững là điều kiện tốt nhất để kết nối thị trường và phát triển thương hiệu sản phẩm nghêu Bến Tre. Phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng thu hút du khách ngoài nước đến thưởng ngoạn, chia sẻ, học tập mô hình, là cơ hội để cộng đồng tham gia xuất khẩu tại chỗ”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội, cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn thực hiện nghiêm túc 3 nguyên tắc Bộ tiêu chí đánh giá của MSC để đáp ứng yêu cầu đánh giá duy trì hằng năm của đơn vị đánh giá. Trong đó, sẽ bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, quy hoạch khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên hiện có. Ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện điều tra sản lượng và thành phần loại trên bãi nghêu để tạo cơ sở dữ liệu cho việc đánh giá hằng năm. Ðồng thời, sẽ hình thành và thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển thương hiệu MSC cho nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo HOÀNG NHÃ (Báo Cần Thơ)