Bạch mai hơn 300 tuổi tại đình Phú Tự. Ảnh: Trung Hiếu
Sở dĩ họ chọn đình Phú Tự vì đây là trung tâm tỉnh, đặc biệt có cội bạch mai còn gọi là nam mai, trên 300 năm tuổi, có 9 thân, cao trên 14m, thường ra hoa thơm ngát vào dịp Tết Nguyên tiêu mà bà con tôn kính gọi là “Thần mai” (Cây mai này được Hội Di sản văn hóa Việt Nam công nhận là Cây di sản quốc gia). Vì vậy, nhóm thơ Đường luật này lấy tên là Bạch Mai thi hội.
Ngày Thơ Việt Nam
Nhóm Bạch Mai thi hội đã sáng tác khá nhiều bài thơ, in được mấy tuyển tập Bạch Mai thi tập và cũng đã đi giao lưu nhiều nơi. Càng về sau, Bạch Mai thi hội hoạt động càng mạnh mẽ hơn, thu hút thêm một số tác giả trẻ tham gia sáng tác thơ Đường luật. Hội đã tổ chức mấy cuộc thi thơ Đường luật và viết văn bia Bạch Mai, đúc kết thành Bạch Mai bi ký dựng bên cội bạch mai trước Đình Phú Tự cho đến bây giờ.
Đến năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chọn ngày rằm tháng Giêng hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam và tổ chức rộng rãi cả nước nhằm tôn vinh thành tựu thơ ca nước nhà. Ngày Thơ Việt Nam được cả nước đồng loạt hưởng ứng và đêm Nguyên tiêu được tổ chức bài bản hơn cả phần lễ và phần hội. Ngày Thơ đầu tiên ở Bến Tre được tổ chức thật hoành tráng tại Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó, ở Bến Tre, hàng năm cứ đến rằm tháng Giêng, Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đều tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thật trọng thể, thu hút nhiều người yêu thơ văn đến tham dự, kể cả quần chúng bên ngoài. Nhiều năm liền, Ngày Thơ Việt Nam ở Bến Tre được tổ chức ở đình Phú Tự suốt ngày đêm. Cũng có lần tổ chức ở Nhà Văn hóa người cao tuổi, cạnh bờ hồ Trúc Giang và ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre.
Năm nào cũng vậy, sắp đến ngày rằm tháng Giêng, cả ấp Phú Tự, xã Phú Hưng xôn xao hẳn lên. Từ mấy ngày trước, cổng chào thật uy nghi được dựng ở ngã ba Chợ Giữa của tỉnh lộ 885, cách đình Phú Tự khoảng một cây số. Từ cổng chào này dẫn vào đình, hai bên đường cờ hoa đã rợp trời. Hàng quán bắt đầu đón khách. Sân khấu, đài tưởng niệm liệt sĩ và các vị tiền hiền được dựng lên rất trang nghiêm trong sân lễ...
Sáng ngày rằm, thi nhân từ các huyện lần lượt đổ về. Sân đình rộng mênh mông, vậy mà có năm (nhất là mười năm đầu) không có chỗ dựng xe máy.
Anh chị em văn nghệ sĩ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Ai nấy ăn mặc ra dáng tao nhân mặc khách. Họ trao tặng nhau những tập thơ, những bài thơ vừa sáng tác trong năm qua. Họ lăng xăng chụp hình kỷ niệm dưới cội bạch mai. Họ xúm xít bên gian hàng trưng bày sách và tạp chí của anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Họ chen nhau đến bàn viết thư pháp “xin chữ” đầu năm...
Thường thường, khoảng 13 giờ chiều ngày rằm là tiến hành phần hội. Các đoàn tập trung ở võ ca phía sau đình. Xôm tụ nhất là đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre và đoàn học sinh các trường phổ thông trung học trong thành phố. Những đoàn này tham dự lên đến bốn - năm mươi người vừa giáo viên hướng dẫn lẫn sinh viên, học sinh.
Đêm Nguyên tiêu
Năm nào cũng vậy, mở đầu phần hội là phần giới thiệu đặc sản quê hương của từng huyện (chủ yếu là bánh, trái ăn liền) được chưng bày trong một cái mâm lớn. Một đại biểu của đoàn lên giới thiệu ngắn gọn về đặc sản này, ban giám khảo chấm điểm, xong mời quan khách tham dự ăn tại chỗ. Tuy là những món bánh dân dã như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, bánh lá dừa Giồng Luông, trái cây Chợ Lách nhưng ai nấy ăn uống rất vui vẻ, cảm thấy gần gũi nhau hơn.
Tiếp theo là cuộc thi thơ dành cho đối tượng người lớn và đối tượng sinh viên, học sinh. Đây là cuộc chơi mà nhiều người mong chờ. Thí sinh phải làm tại chỗ trong khoảng 1 giờ, theo một đề tài do ban tổ chức quy định. Có năm thì “Nhìn ảnh đề thơ”.
Quang cảnh thi thơ này làm chúng ta nhớ lại cảnh “lều chõng” của thời phong kiến xa xưa. Thí sinh tỏa khắp sân đình. Người ngồi băng đá, người dựa gốc cây cổ thụ, người núp dưới tàn bạch mai. Không khí yên ắng lạ thường. Ai nấy đều bóp trán suy nghĩ và hí hoáy ghi ghi viết viết rồi nộp bài khi hiệu lệnh của ban tổ chức vang lên. Ban giám khảo tức tốc chấm và công bố kết quả, trao giải trong buổi lễ lúc về đêm. Giải thưởng không là bao nhiêu nhưng vui và vinh dự lắm.
Từ chiều đến tối, con đường trước cửa và bên hông đình Phú Tự đông nghẹt người đi lại. Tiếng nhạc trong lễ đài vang vang. Những đôi trai gái và trẻ em dập dìu. Những quán ăn, quán giải khát đông khách hơn. Đúng là Ngày Thơ không chỉ là ngày hội riêng cho giới văn học nghệ thuật mà còn là của dân chúng.
Phần lễ thường bắt đầu từ 19 giờ. Dưới ánh trăng tròn vằng vặc sáng, mùi hoa bạch mai tỏa hương nhè nhẹ, hàng mấy trăm người tập trung trước lễ đài chuẩn bị lễ khai mạc. Đoàn lân múa theo tiếng trống xập xình hướng dẫn quan khách dâng hương miếu Thổ thần và các vị tiền hiền.
Sau tiết mục đánh trống khai mạc lễ hội của anh em Trung tâm Văn hóa tỉnh rộn rã nổi lên là phần kéo lá cờ thơ, trình diễn bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ. Có lẽ nhiều người còn nhớ mãi hình ảnh một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ, mặc áo dài gấm xanh và chít khăn đóng xanh nhiều năm liền đã sang sảng ngâm hai bài thơ này:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư” (Lý Thường Kiệt)
Và:
“Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Hồ Chí Minh)
Đó là nhà thơ Vệ Chân ở huyện Châu Thành, hội viên Bạch Mai thi hội. Mấy năm gần đây, khi nhà thơ Vệ Chân qua đời, tiết mục này do một nghệ sĩ ở Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phụ trách.
Tiếp theo chương trình là phát biểu khai mạc của lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu rồi đến phần diễn ngâm những bài thơ của những thi nhân Bến Tre và trình bày những ca khúc được phổ nhạc từ những bài thơ hay. Có năm có thêm phần giao lưu tác giả hoặc thả thơ cũng rất vui.
Sau buổi lễ, năm nào cũng có giải lao ở võ ca sau đình. Thi nhân thì không thể thiếu rượu trong những bữa tiệc như thế này. Rượu vào lời ra, rộn rã cho đến một hai giờ sáng mới chịu tan hàng.
Trong men rượu nồng ấm, người người chúc nhau những lời chúc có cánh. Những bàn tay nắm chặt bàn tay và hẹn nhau vào Nguyên tiêu năm sau...
Hai năm rồi, tỉnh tạm dừng tổ chức Tết Nguyên tiêu và Ngày Thơ Việt Nam do dịch Covid-19. Dự kiến Ngày Thơ Việt Nam sẽ được tổ chức tại Nhà văn hóa Người cao tuổi (TP. Bến Tre).\
Theo Báo Đồng Khởi