Bến Tre: Tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

20/03/2023 - 09:51

Trong quý I-2023, tình hình kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc, trong đó ngành nông nghiệp đã dần phục hồi và phát triển tương đối ổn định. Các cấp, ngành và địa phương đã vào cuộc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt trên cây trồng, vật nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tỉnh hình biến đổi khí hậu… Xung quanh nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết:

Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú) làm tốt công tác thu mua nông sản, tạo  việc làm tại địa phương. Ảnh: Hoàng Trung

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tương đối thuận lợi, ước tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tăng 3,1%. Mặc dù trong những tháng đầu năm, xâm nhập mặn có xảy ra nhưng các ngành, địa phương đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống. Đồng thời, ngành liên tục khuyến cáo, vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, ngay cả những khu vực chưa bị xâm nhập mặn để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi hạn mặn xảy ra. Do đó, đến nay, xâm nhập mặn ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển nông nghiệp trong những tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Việc tiêu thụ hàng hóa nông sản còn khó khăn, giá một số mặt hàng nông sản giảm, người dân giảm thu nhập. Hoạt động của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) còn bộc lộ một số yếu tố không đảm bảo hoạt động có hiệu quả như: quy mô sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, vốn điều lệ không đáng kể, đầu ra của sản phẩm không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chưa tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống công trình ao nuôi của đa số các cơ sở, hộ nuôi chưa đảm bảo được điều kiện an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản như chưa có ao xử lý nước thải, không có ao chứa bùn, gây khó khăn trong công tác kiểm soát môi trường, dịch bệnh, nhất là các vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh như hiện nay.

Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, chưa tự xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng, nhận thức về pháp luật có phần hạn chế, một số cơ sở thiếu đội ngũ quản lý được đào tạo chuyên ngành về công nghệ thực phẩm, sau thu hoạch.

* Kết quả sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong thời gian qua như thế nào?

- Tình hình sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi, mặc dù trong những tháng đầu năm xâm nhập mặn có xảy ra nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng, vật nuôi và nguồn nước sinh hoạt do ngành, địa phương đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, cơ bản đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 24.246ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương, trong đó, dừa là 17.293ha, cây ăn trái 678ha, thủy sản 6.275ha. Đến nay, toàn tỉnh có 28 vùng trồng được cấp 59 mã số vùng trồng với diện tích 550,18ha.

Về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh có 66 THT, 68 HTX tham gia và chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt một số kết quả khả quan. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi; áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 24.141ha.

Ngành đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, phương án ứng phó, xử lý kịp thời, nhất là theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tăng cường công tác kiểm tra độ mặn tại các cửa sông để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông; đồng thời, vận hành hệ thống thủy lợi phù hợp nhằm phục vụ tốt cho sản xuất.

Tình hình cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được thực hiện tốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của người dân, thông qua việc tiếp tục được đầu tư, nâng cấp mở rộng các nhà máy nước hiện có. Thực hiện quản lý vận hành có hiệu quả 32 nhà máy nước sạch phục vụ cho sinh hoạt nông thôn với tổng công suất thiết kế 2.999m3/h, số hộ sử dụng nước trên 94.400 hộ. Thời gian bơm cấp nước liên tục, bình quân từ 22 - 24 giờ, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và góp phần cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân vùng nông thôn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí nước sạch cho những xã NTM. Bên cạnh đó, các hộ gia đình đã chủ động trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều biện pháp để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, góp phần hiệu quả trong việc hạn chế khan hiếm nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

* Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn trên trong năm 2023?

- Ngành tập trung triển khai thực hiện tốt Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy, kế hoạch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Tập trung làm lan tỏa cho được cuộc cách mạng nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Sản xuất hoa kiểng tại huyện Chợ Lách. Ảnh: Cẩm Trúc

Sản xuất hoa kiểng tại huyện Chợ Lách. Ảnh: Cẩm Trúc

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, khẩn trương rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch NTM ở tất cả các xã trong tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại gắn với phát triển du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh, kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả cao, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của UBND tỉnh; đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm Cây giống và hoa kiểng Chợ Lách.

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và gắn với biến đổi khí hậu... Tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm được chế biến sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi. Cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị.

Tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão. Theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời tình hình thời tiết, mưa, bão cho người dân để chủ động sản xuất; hướng dẫn và khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản phù hợp.

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi - thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, tạo sản phẩm chất lượng, đồng nhất.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động người nuôi thủy sản thực hiện tốt lịch thời vụ và xử lý tốt dịch bệnh; thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh; đối với vùng nuôi thủy sản nước ngọt, người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cải tạo lại ao nuôi.

Tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng các tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho THT, HTX và các tổ chức đại diện của nông dân tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức vào nông nghiệp ở các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tập trung rà soát, tổ chức mô hình có hiệu quả làm mô hình điểm để nhân rộng, bảo đảm việc tổ chức lại sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị. Xây dựng các mô hình điểm về vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả để nhân rộng.

Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP... tại các HTX nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu như: dừa, bưởi, tôm, heo, bò…

Tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ; tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

“Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho chủ thể sản xuất và cán bộ phụ trách; truyền thông về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép Chương trình OCOP với việc thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu thực hiện vượt mục tiêu về phát triển sản phẩm theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh; đồng thời tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh

Theo Báo Đồng Khởi