Dừa là một trong những chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.
Thời gian qua, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã có tác động tích cực đến quá trình sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với chuỗi giá trị. Ứng dụng nhiều hơn công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản. Việc tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng thông qua việc hỗ trợ các chứng nhận GAP, hữu cơ, OCOP... cho các sản phẩm nông nghiệp ngày càng gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 26.470ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Có 24 mã số vùng trồng nội địa với diện tích là 640,52ha; 62 vùng trồng xuất khẩu với diện tích 1.054,93ha; 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...
Toàn tỉnh hiện có 161 hợp tác xã (HTX) thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX; trong đó, có 88 tổ hợp tác (THT), 78 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất sạch tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh, tỉnh định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục trên đà phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2024 ước đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ; lũy kế giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 150.392 tỷ đồng.
Cơ cấu lại khu vực dịch vụ, hệ thống phân phối hàng hóa truyền thống và hiện đại được đầu tư phát triển, chợ nông thôn được quan tâm đầu tư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2024 ước đạt 70.752 tỷ đồng, tăng 11,52% so với cùng kỳ, lũy kế giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 242.595 tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm được chế biến sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi - thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy và phương án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư thứ cấp và hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xúc tiến đầu tư theo Quy hoạch tỉnh.
“Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Đề án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan thực hiện các dự án giao thông trọng điểm: cầu Rạch Miễu 2; cầu Ba Lai 8; thực hiện thủ tục đầu tư dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh, cầu Cửa Đại...” - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn
Theo PHƯƠNG THẢO (Báo Đồng Khởi)